Tác phầm đoạt giải

Sức mạnh lòng dân làm nên kỳ tích: Bài 2- Kế thừa thành quả, đường rộng dài thêm

25/04/2023
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về làm đường giao thông nông thôn (GTNT), Bắc Giang đã thu được “trái ngọt” ngoài mong đợi. Kế thừa thành quả đó, nhiều địa phương đã tự cân đối và tiếp tục hỗ trợ kinh phí mở rộng, cứng hóa đường GTNT với phương châm “đại lộ - đại phú”.

Việc cần làm ngay

Với lợi thế là địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp nên huyện Việt Yên luôn tranh thủ lồng ghép, đầu tư nguồn lực hoàn thiện hệ thống giao thông, trong đó có GTNT. Mặc dù tỷ lệ cứng hóa đường huyện và trục xã đạt 100%, đường thôn đạt hơn 97% song hệ thống GTNT trong huyện chưa đồng bộ, khả năng kết nối với các trục quốc lộ, tỉnh lộ còn hạn chế. 

{keywords}

Đường GTNT tại xã Trung Sơn (Việt Yên) được mở rộng.

Thực hiện các tiêu chí đưa huyện lên thị xã, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Việt Yên xác định, kế thừa chính sách, cơ chế hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh, nếu không triển khai ngay việc mở rộng đường làng trong năm 2022 thì sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ khi người dân có điều kiện kinh tế, nhà nhà cải tạo, xây mới “nhà to, cửa rộng” hơn, không chỉ nhu cầu đi lại tăng cao mà còn kéo theo việc giải phóng mặt bằng để làm đường sẽ ngày càng khó khăn. Vì vậy, huyện xác định mở rộng đường làng, ngõ xóm là việc cần làm ngay, không thể chậm trễ.

Hẳn nhiều người từng nghe câu nói đúc kết tầm quan trọng của giao thông đối với sự phát triển đó là: “Đại lộ - đại phú, trung lộ - trung phú, tiểu lộ - tiểu phú, vô lộ - vô phú”. Đối với GTNT, đây là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn, là tiền đề phục vụ sự nghiệp xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa. 

Trước tình hình thực tế và đáp ứng xu thế phát triển, cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân, HĐND huyện Việt Yên đã ban hành Nghị quyết số 02 ngày 15/1/2022 (gọi tắt Nghị quyết 02) thông qua cơ chế hỗ trợ, UBND huyện ban hành Đề án “Hỗ trợ mở rộng, cải tạo, nâng cấp đường trục thôn, tổ dân phố, đường ngõ xóm trên địa bàn huyện”.

Ngay khi Nghị quyết của HĐND, Đề án của UBND huyện được ban hành, các địa phương đã rà soát những tuyến đường còn nhỏ hẹp, triển khai phổ biến chủ trương, chính sách đến người dân. Đồng chí Ngô Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Tiến thông tin, xã còn 2 thôn có trục đường chính nhỏ hẹp và coi đây là cơ hội để cải thiện đường. Từ chú trọng tuyên truyền, nhân dân thấy được lợi ích của việc mở rộng đường là vì tương lai lâu dài, từ đó đã tự giác hưởng ứng và vận động người khác làm theo; hai tuyến đường đã được mở rộng.

{keywords}

Nhân dân thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) đóng góp công sức cải tạo, mở rộng đường làng, ngõ xóm. Ảnh: PHƯƠNG NHUNG.

“Mục sở thị” thôn Núi, xã Việt Tiến, chúng tôi nhận thấy, với chiều dài đường mở rộng hơn 2 km liên quan đến hàng trăm hộ nhưng hộ nào cũng tình nguyện hiến đất. Việc tháo dỡ tường rào, công trình để đường rộng, xe thông diễn ra thật khẩn trương. 

Ông Dương Văn Hiền, người dân trong thôn nói: “Nhà tôi đã phá hơn 40 m tường rào để xây lùi vào 2 m. Nhà nước cần đến đâu, tôi sẵn sàng hiến đất đến đó. Đường rộng thì đời sống người dân mới khá lên được”. Theo Phó trưởng thôn Núi Vi Văn Thắng, “tấc đất, tấc vàng” nhưng việc giải phóng mặt bằng rất thuận lợi. Từ đảng viên đến quần chúng đều nêu gương. Hàng nghìn m2 đất ở, đất vườn và tường rào, công trình đã được người dân nhanh chóng giải tỏa, bàn giao để thi công công trình.

Đáng chú ý, quá trình thực hiện, huyện có cách làm bài bản, hiệu quả, trong đó nổi bật là MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức đợt sinh hoạt sâu rộng về làm đường; đưa việc “hiến đất mở rộng đường”, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của xây dựng GTNT trở thành phong trào thi đua giữa các hộ và thôn xóm. Ngân sách huyện dành hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ các thôn, tổ dân phố theo phương châm nơi nào thống nhất được trước làm trước, không giới hạn chiều dài, bề rộng đường miễn là đạt tiêu chí đề ra.

Việc giám sát công tác triển khai thi công các công trình thực hiện theo Nghị quyết 02 của HĐND huyện được chú trọng. UBND các xã, thị trấn thành lập tổ giám sát cộng đồng, giám sát theo thiết kế mẫu, điển hình. Quá trình thực hiện đã nảy sinh vấn đề là nguồn kinh phí đối ứng ở từng địa phương khó khăn song nhu cầu mở rộng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông lớn. 

Nắm bắt những vướng mắc và nguyện vọng của nhân dân, ngày 22/5/2022, Thường trực Huyện ủy ban hành thông báo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 02. Trong đó thống nhất điều chỉnh chủ trương Nghị quyết 02 theo tinh thần giảm quy mô mặt đường sau khi hoàn thiện đối với những xã không thể mở rộng và tăng cơ chế hỗ trợ. 

Tiếp đến, HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung hỗ trợ làm đường GTNT. Các xã Vân Hà, Tiên Sơn, Hương Mai, Tự Lạn, Minh Đức, Nghĩa Trung, Thượng Lan, Trung Sơn thì đường trục thôn hỗ trợ 100% xi măng và 700 triệu đồng/km làm mới; đường ngõ, xóm hỗ trợ 100% xi măng và 350 triệu đồng/km làm mới. 

Các xã, thị trấn còn lại: Đường trục thôn hỗ trợ 100% xi măng và 600 triệu đồng/km làm mới; đường ngõ, xóm hỗ trợ 100% xi măng và 300 triệu đồng/km làm mới. Cơ chế chính sách này đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn.

Với không khí ra quân làm đường diễn ra sôi nổi, theo tổng hợp của Phòng Quản lý Đô thị huyện, 16/16 xã, thị trấn đã thực hiện mở rộng, cải tạo đường thôn, xóm, tổ dân phố với chiều dài gần 150 km. 

“Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND và Đề án của UBND huyện chỉ diễn ra trong năm 2022 song đã mang lại hiệu quả rất lớn trong đời sống, xã hội, tạo tâm lý phấn khởi trong nhân dân. Các tuyến đường từ nhỏ hẹp, hư hỏng hoặc đường đất cấp phối đã được mở rộng, làm mới, thúc đẩy giao thương, tạo tiền đề từng bước đưa huyện Việt Yên thành thị xã vào năm 2025”, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy khẳng định.

Cho những con đường thêm rộng dài

Cùng với Việt Yên, các huyện Lạng Giang, Sơn Động cũng có nhiều cách hỗ trợ làm đường GTNT. Tại Lạng Giang, nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển đô thị, huyện dành nguồn lực mở rộng các tuyến đường giao thông, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số đô thị đạt hơn 18%, đến năm 2030 tiệm cận tiêu chí đô thị loại IV. 

{keywords}

Người dân thôn Đầm, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) tự tháo dỡ công trình, hiến đất làm đường.

Đồng chí Thân Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để đạt các mục tiêu đề ra, ngoài thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị, hạ tầng kèm theo, đến năm 2025, huyện phấn đấu 7 xã đạt tiêu chí đô thị loại V gồm: Tân Dĩnh, Thái Đào, Tân Hưng, Tiên Lục, Mỹ Thái, Nghĩa Hòa, Xương Lâm. Tuy nhiên, qua rà soát, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là giao thông, trong khi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để công nhận đô thị. Do đó, huyện đã dồn lực hỗ trợ làm đường, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên các đường trục chính ở các xã được lựa chọn. Tổng chiều dài đường cứng hóa hơn 80 km, kinh phí khoảng 300 tỷ đồng.

Chủ trương hỗ trợ làm đường được chính quyền địa phương, người dân các xã tích cực hưởng ứng. Tại xã Thái Đào, phát huy kinh nghiệm, cách làm khi triển khai Nghị quyết 06, 07 của HĐND tỉnh, xã ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ làm đường nông thôn đạt chuẩn đường đô thị. Ngân sách xã hỗ trợ tối đa 50% kinh phí làm đường trục thôn, liên thôn đối với các tuyến đường được cải tạo, nâng cấp cứng hóa có chiều rộng mặt đường tối thiểu từ 7,5 m trở lên.

Ngoài các xã được tập trung hỗ trợ, huyện Lạng Giang còn lồng ghép nguồn vốn để dồn lực cho tiêu chí giao thông. Theo đại diện lãnh đạo xã Đại Lâm, xã được chọn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao nên đến nay các tiêu chí về giao thông đã cơ bản bảo đảm, với đường trục xã từ hơn 7,5 m trở lên, trục thôn nhiều đoạn rộng 6,5-7 m.

Dự kiến, các xã: Thái Đào, Tân Hưng, Đại Lâm sẽ hoàn thành tiêu chí về giao thông đô thị trong năm 2024, trước kế hoạch đề ra.

Xác định làm đường giao thông sẽ tạo đòn bẩy cho sự phát triển, giai đoạn 2022-2025, huyện Sơn Động tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ các địa phương, phấn đấu cứng hóa 100% đường huyện, đường xã, 80% đường thôn, 60% đường nội đồng. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, giai đoạn 2022-2023, huyện dự kiến huy động, kết hợp được tổng vốn đầu tư hơn 397 tỷ đồng để làm gần 74 km đường. Về lâu dài, HĐND huyện ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí thực hiện nâng cấp, mở rộng tuyến đường xã, thôn, nội đồng. 

Bắc Giang là một trong những địa phương tốp đầu cả nước về kết quả làm đường GTNT. Hạ tầng GTNT được tập trung đầu tư trong thời gian qua đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Theo đồng chí Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, căn cứ vào nguồn lực, huyện cân đối nguồn vốn đầu tư, trong đó ưu tiên cứng hóa hệ thống đường xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, tạo đà phát triển đồng bộ, đồng đều. 

Huyện chỉ đạo các địa phương phát động thi đua sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tự nguyện đóng góp xây dựng đường GTNT.

Cùng với các địa phương, hàng loạt trục GTNT ở các huyện: Yên Dũng, Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế... có tính kết nối cao đã được ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách kết hợp với huy động sự chung tay góp sức của nhân dân. Qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh và các ngành chức năng của Trung ương đều có chung đánh giá hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng đồng bộ. 

Bắc Giang là một trong những địa phương tốp đầu cả nước về kết quả làm đường GTNT. Hạ tầng GTNT được tập trung đầu tư trong thời gian qua đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, thúc đẩy phát triển KT-XH.

(Còn nữa)

Trịnh Thị Lan - Lê Thế Phương

Bài viết cùng chuyên mục