Tác phầm đoạt giải

Phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá Quốc hội Việt Nam (Bài 1): Lật tẩy các chiêu trò chống phá

01/04/2023
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Hơn 77 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã đồng hành với dân tộc, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, với mục đích chống phá, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị vẫn liên tục tung ra thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc đối với Quốc hội Việt Nam.

Cách đây hơn 77 năm, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức sau khi mới giành được chính quyền, nhất là sự chống phá quyết liệt, thâm độc của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 90% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu và bầu ra 333 đại biểu vào Quốc hội khóa I. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc khi lần đầu tiên nhân dân được thực hiện quyền công dân, được tự tay bầu những đại biểu mà mình tin tưởng vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. 

Nhận diện 

Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, phương diện, với nhiều thủ đoạn, chiêu bài khác nhau. Trong đó, Quốc hội là một trong những chủ thể thường xuyên bị các đối tượng xấu chĩa mũi nhọn công kích. Bất chấp sự thật là qua hơn 77 năm hình thành và phát triển, Quốc hội nước ta luôn gắn bó, đồng hành với dân tộc, chúng vẫn cố tình xuyên tạc thông tin, đưa ra những luận điệu sai trái, hằn học. Hoạt động chống phá được các đối tượng xấu tiến hành bài bản, có kế hoạch với tính chất mạnh về cường độ, thâm hiểm về thủ đoạn và toàn diện trên mọi khía cạnh. 

Một số bài viết đăng trên BBC tiếng Việt và RFA (Đài Á Châu tự do) xuyên tạc, bịa đặt về Quốc hội Việt Nam

Về mặt tổ chức, chúng rêu rao quan điểm cho rằng: “Đảng cộng sản lãnh đạo công tác bầu cử Quốc hội là không hợp pháp dẫn đến việc Quốc hội được bầu ra không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”; hoặc luận điệu xuyên tạc như trong bài viết của Đài RFA ngày 14-4-2022: “Quyền tự do tham chính của dân Việt bị hạn chế thế nào?”. Ngay cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong cái gọi là “Báo cáo nhân quyền năm 2022” mới công bố ngày 20-3-2023, cũng có một cái nhìn phiến diện, sai trái, quy chụp khi nói về Quốc hội Việt Nam: “Cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5-2021 không tự do và không công bằng; có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản lựa chọn”.

Về mặt hoạt động của Quốc hội, những đối tượng này thường xuyên lợi dụng các sự kiện nóng, những vấn đề được dư luận quan tâm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội để tiến hành chọc ngoáy. Chúng cho rằng Quốc hội hoạt động không hiệu quả, không có đóng góp gì cho đất nước, rằng “mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật”. Trong thời gian gần đây, lợi dụng việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là vấn đề nhân sự, các đối tượng xấu đã ráo riết lên mạng xã hội lan truyền quan điểm: “Quốc hội Việt Nam không gắn bó với nhân dân, không bảo vệ lợi ích của nhân dân, “họp Quốc hội chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”, chỉ là nơi “hợp thức hóa” các quyết định của Đảng”. Như BBC tiếng Việt ngày 17-6-2022 đăng bài viết của Bùi Thư - Hoài Minh cho rằng: Quốc hội Việt Nam: Quyền bính “thực chất vẫn trong tay Đảng”. Dưới vỏ bọc dân chủ, nhân quyền, chúng liên tục vu khống rằng Quốc hội Việt Nam thông qua một số đạo luật là để “ngăn cản dân chủ, nhân quyền”, “đi ngược lại mong muốn, nguyện vọng của nhân dân”… Từ đó, chúng đòi “giải tán Quốc hội” (?!). 

Cùng với đó, các đối tượng cũng thường xuyên đưa ra những thông tin sai trái, đặt điều, vu khống về nhân thân, đời tư của một số lãnh đạo Quốc hội nhằm kích động hoài nghi, gây hoang mang dư luận. Ngoài ra, lợi dụng việc một số đại biểu Quốc hội có sai phạm dẫn đến bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự, các “nhà dân chủ” cũng được đà “tát nước theo mưa”, ra sức tô đen Quốc hội.

Đây là điều không thể chấp nhận!

Quốc hội - nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân

Phải khẳng định rõ, từ khi được thành lập đến nay, Quốc hội Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Những luận điệu cho rằng “bầu cử tại Việt Nam là không dân chủ”, “Đảng cộng sản lãnh đạo bầu cử là hành động phi pháp”, “Quốc hội Việt Nam được thành lập không hợp pháp” chỉ là chiêu trò để tấn công chế độ, là cái cớ để các đối tượng xấu, cơ hội chính trị cổ xúy “đa nguyên, đa đảng”, “giải tán Quốc hội”... 

Quốc hội Việt Nam được bầu ra hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp, thể hiện rõ ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội không phải là “sân chơi riêng” của Đảng, không phải là “hội nghị đảng viên mở rộng”. Trên thực tế qua hơn 77 năm đồng hành với dân tộc, trong Quốc hội Việt Nam có không ít đại biểu không phải là đảng viên. Như Quốc hội khóa XV, chúng ta có 14 đại biểu là người ngoài Đảng. Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “... hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”. Để trở thành ứng viên đại biểu Quốc hội, ngoài con đường được các cấp có thẩm quyền giới thiệu ứng cử, mọi công dân khi đủ 21 tuổi trở lên và đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật đều có quyền ứng cử. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích những cá nhân đủ đức, đủ tài ra tranh cử để đại diện cho tiếng nói của người dân, của cộng đồng. Việc bầu cử ở Việt Nam thực hiện theo chế độ phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Như vậy, lá phiếu của mọi cử tri đều có giá trị ngang nhau, không có sự phân biệt hay bất bình đẳng nào. Sự cạnh tranh giữa ứng viên trong Đảng và ngoài Đảng là công bằng. Ai nhận được sự tín nhiệm của cử tri nhiều hơn thì người đó sẽ trở thành đại biểu Quốc hội. Chính bởi vậy, những đại biểu được bầu vào Quốc hội đều nhận được sự tin tưởng, kỳ vọng của cử tri.

Đảng - Nhà nước - Nhân dân là những thành tố quan trọng cấu thành nên hệ thống chính trị. Ở nước ta, sự ra đời của Nhà nước là kết quả của cuộc đấu tranh anh dũng của quần chúng nhân dân yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn hơn 93 năm qua cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ giữ vai trò là một đảng chính trị đơn thuần mà được nhân dân cả nước tin tưởng giao trọng trách là đảng cầm quyền. Điều 4, Hiến pháp nước ta quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội với vai trò, vị trí là một đảng duy nhất cầm quyền, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Do vậy, việc lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử nói riêng và với hoạt động của Quốc hội nói chung là điều hoàn toàn chính danh, hợp pháp. 

Đảng lãnh đạo không có nghĩa là Đảng làm thay, can thiệp, tác động, áp đặt, làm sai lệch ý chí, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, làm thay đổi quyết định của Quốc hội. Sự lãnh đạo của Đảng là để các hoạt động của Quốc hội được thực hiện bài bản, đúng định hướng phát triển đất nước, củng cố khối đoàn kết dân tộc. Mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội là mối quan hệ biện chứng, hai chiều, tác động chặt chẽ với nhau. Đảng lãnh đạo Quốc hội nhưng đồng thời các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật được Quốc hội ban hành.

Trần Tú - Hoàng Thu

Bài viết cùng chuyên mục