Tác phầm đoạt giải

Để giám sát của Quốc hội thực sự hiệu lực, hiệu quả: Từ cuộc giám sát 'lớn nhất từ trước tới nay'

24/04/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Để giám sát của Quốc hội thực sự hiệu lực, hiệu quả" – Tác phẩm vinh dự đạt giải A Giải Diên Hồng lần thứ nhất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV ngày 20.7.2021 đã nhấn mạnh: "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát…".

Những chuyển động tích cực

Chiều 15.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đi thị sát dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM), tham gia buổi chạy thử tàu từ ga Rạch Chiếc đến ga Suối Tiên. Đây đã là lần thứ 2 Thủ tướng trực tiếp đốc thúc dự án này. Cuối tháng 7.2022, Thủ tướng cũng đã thị sát nhà ga trung tâm Bến Thành và ga Ba Son thuộc dự án metro số 1.

Từ cuộc giám sát 'lớn nhất từ trước tới nay' - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM), chiều 15.4.2023

 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng giao các cơ quan, đơn vị cố gắng hoàn thành dự án vào dịp 2.9, trước 1 quý so với kế hoạch. Hai ngày trước đó, UBND TP.HCM quyết định điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án vào cuối quý 4/2023. Thời gian kết thúc dự án từ 2024 - 2028, gồm thời gian bảo hành công trình của các nhà thầu từ năm 2024 - 2025, thời gian hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng từ năm 2024 - 2028.

 

Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là một trong hơn 3.000 dự án sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước không hiệu quả, lãng phí được nhắc tên tại cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016 - 2021, tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10.2022. Đây là dự án tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, tổng chiều dài 19,7 km, được phê duyệt năm 2008, khởi công vào tháng 8.2012. Vào thời điểm phê duyệt, dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng vào đầu năm 2014. Khi dự án khởi công, thời điểm hoàn thành dự án được lùi thêm 3 năm, tới 2017. Tuy nhiên tới nay, qua 15 năm tính từ khi dự án được phê duyệt, mốc thời gian hoàn thành dự án liên tục được điều chỉnh. Cùng với đó, số vốn đầu tư từ 17.387 tỉ đồng đã "đội" lên 43.757 tỉ đồng, tăng 2,5 lần.

 

 

Ngoài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM còn 3 dự án khác được đoàn giám sát của Quốc hội "điểm mặt, chỉ tên". Trong đó, dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt tháng 10.2010, song thời gian hoàn thành thi công đưa vào khai thác dự kiến kéo dài đến năm 2030. Từ tổng mức đầu tư ban đầu là 26.116 tỉ đồng vào năm 2010, đến 2018 đã tăng lên hơn 47.891 tỉ đồng (tăng 1,8 lần). Bên cạnh đó là 2 dự án dừng thực hiện gồm: dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch; dự án bồi thường giải phóng mặt bằng Khu liên hợp thể dục - thể thao quốc gia Rạch Chiếc (P.An Phú, TP.Thủ Đức).

"Các loại dự án trên là những điển hình của việc thất thoát, lãng phí xảy ra trong thời gian dài nhưng chậm được các cấp có thẩm quyền khắc phục, xử lý. Đối với các dự án ODA, việc chậm tiến độ, kém hiệu quả thì ngoài thất thoát, lãng phí còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia", báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội đánh giá. Trong nghị quyết giám sát được Quốc hội ban hành, dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cùng 3 dự án trên của TP.HCM được đưa vào danh mục 51 dự án không hiệu quả, lãng phí và yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình; làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong năm 2023.

Nếu dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành đúng dịp 2.9 như yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây có thể là sự chuyển động tích cực. Bởi câu hỏi đến bao giờ người dân mới được ngồi trên chuyến tàu metro đầu tiên của TP.HCM đã được đặt ra suốt hơn chục năm nay.

Những chuyển động tích cực cũng đang được thúc đẩy ở những dự án quy mô nhỏ hơn.

Từ cuộc giám sát 'lớn nhất từ trước tới nay' - Ảnh 3.

Khách sạn Lam Kinh tại TP.Thanh Hóa vừa sửa sang, bắt đầu đón khách từ giữa tháng 4 sau nhiều năm bỏ hoang

Những ngày giữa tháng 4.2023, khách sạn Lam Kinh trên đại lộ Lê Lợi, TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa) bắt đầu đón khách trở lại sau hơn 3 năm bị bỏ hoang. Việc sửa chữa, chỉnh trang lại khách sạn có mức đầu tư gần 500 tỉ đồng này, được khởi động từ tháng 2.2023. Hằng ngày, hàng chục công nhân vẫn đang tiến hành sửa chữa phòng ốc, chỉnh trang lại một số hạng mục theo hướng vừa sửa chữa, vừa vận hành nhằm sớm "hồi sinh" khách sạn tiêu chuẩn 4 sao này.

Khách sạn Lam Kinh được Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đầu tư xây dựng từ tháng 8.2009, trên diện tích khoảng 1,8 ha. Khách sạn được thiết kế 11 tầng, hình lượn cánh sóng với quy mô hơn 200 phòng. Đây là công trình được xây dựng chào mừng Đại hội Đảng khóa XI, cũng là khách sạn tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên tại Thanh Hóa.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2011, do kinh doanh không hiệu quả, liên tục thua lỗ, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến đầu năm 2020, khách sạn này đóng cửa. Quá trình làm ăn thua lỗ đã khiến Công ty CP khách sạn Lam Kinh đang nợ bảo hiểm của người lao động; nợ tiền điện, tiền mua thực phẩm… của nhiều người dân với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng, tới nay vẫn chưa trả hết. Đây cũng là một trong những công trình được đoàn giám sát của Quốc hội đưa vào danh mục các công trình không hiệu quả, lãng phí, yêu cầu phải xử lý.

Lãnh đạo Công ty CP khách sạn Lam Kinh (đơn vị quản lý khách sạn Lam Kinh) cho biết việc sửa chữa, chỉnh trang khách sạn tiêu tốn khoảng 10 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 để phục vụ người dân và du khách.

Tiếp tục "làm nghèo đất nước"

Thế nhưng không phải ở đâu người ta cũng thấy được những chuyển biến tích cực như dự án metro số 1 của TP.HCM hay khách sạn Lam Kinh. Rất nhiều công trình, dự án với vốn đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng không hiệu quả, lãng phí nhiều năm, đã được đoàn giám sát Quốc hội chỉ rõ vẫn đang "trơ gan cùng tuế nguyệt", tiếp tục "làm nghèo đất nước", song vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm.

"Sau khi thu hồi đất, họ để không, dân chúng tôi còn trồng lúa mấy năm mới xây dựng. Đến khi xây dựng thì xây dở dang rồi bỏ hoang, có thấy làm gì đâu, lãng phí bao nhiêu năm nay rồi", bà Nguyễn Thị Thắm, một nông dân giờ chuyển nghề rửa bát thuê sau khi thửa ruộng của gia đình bị thu hồi cho dự án Trường ĐH Hoa Lư tại xã Ninh Nhất (TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), nói.

Dự án Trường ĐH Hoa Lư được UBND tỉnh Ninh Bình quyết định đầu tư vào năm 2010, trên diện tích khoảng 25 ha, thu hồi từ đất nông nghiệp của người dân xã Ninh Nhất là chủ yếu. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 480 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách T.Ư và vốn của tỉnh Ninh Bình. Khởi công năm 2011, dự án được dự kiến đến năm 2016 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi khởi công, xây dựng được khoảng 30% khối lượng công trình, với số tiền đã chi trả cho nhà thầu là 250 tỉ đồng thì dự án ngừng thi công, bỏ hoang suốt từ năm 2013 đến nay.

Trưởng phòng Kỹ thuật (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Ninh Bình, gọi tắt Ban Quản lý) Đỗ Thanh Tuyền cho biết từ khi đơn vị này nhận bàn giao (làm chủ đầu tư từ năm 2017 - PV) đến nay chưa làm thêm được gì. Hiện chưa có bất cứ văn bản nào về việc dừng hay không tiếp tục dự án, nhưng cũng chưa biết đến khi nào dự án mới tiếp tục triển khai xây dựng. Vào ngày 29.3, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Ban Quản lý khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh dự án, trình thẩm định phê duyệt để tiến tới việc tiếp tục xây dựng. Tuy nhiên, khi nào tiến hành xây dựng và năm nào mới hoàn thành thì chưa rõ. Các khu nhà vốn được thiết kế là khu hiệu bộ, giảng đường, nay chỉ làm bạn với cỏ dại.

Cách dự án Trường ĐH Hoa Lư chỉ vài trăm mét là dự án khu ký túc xá sinh viên tập trung tỉnh Ninh Bình cũng đang trong tình trạng dở dang, bỏ hoang. Dự án này do Sở Xây dựng Ninh Bình làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2009, tổng mức đầu tư hơn 860 tỉ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2013, đáp ứng chỗ ở cho hơn 7.600 sinh viên. Tuy nhiên, khi xây dựng cơ bản xong phần thô 4 dãy nhà 5 tầng với hàng trăm căn phòng thì dở dang, bỏ hoang hơn 10 năm qua. Các cơ quan có trách nhiệm tới nay cũng đang lúng túng, chưa biết xử lý ra sao với lý do được đưa ra là "rất khó".

Tại Lâm Đồng, hàng trăm công trình nước sạch được đầu tư hàng trăm tỉ đồng hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động, gây lãng phí, đã được cuộc giám sát của Quốc hội chỉ ra, song tới nay cũng chưa biến chuyển. Công trình giếng khoan thôn Hiệp Hòa (xã Ninh Gia, H.Đức Trọng) được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2012 theo Chương trình 134, kinh phí 840 triệu đồng, để cấp nước sạch cho 40 hộ dân. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm thì công trình đã hư hỏng và bỏ hoang từ đó tới nay. "Tôi nghĩ là do chất lượng kém, đường ống, khớp nối không chịu được áp lực nước, hư hỏng liên tục và dù đã sửa chữa nhưng cũng không xong. Công trình bỏ phí nhiều năm thấy tiếc thật, bởi giếng vẫn có nước bao la. Dân tự cứu lấy mình bằng cách khoan giếng hoặc vào núi dẫn nước nguồn về sử dụng", Trưởng thôn Hiệp Hòa Phan Văn Lới chia sẻ.

Từ cuộc giám sát 'lớn nhất từ trước tới nay' - Ảnh 4.

Công trình nước sạch tại thôn Hiệp Hòa chỉ là một trong tổng số 277 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được đầu tư từ năm 1997 - 2022 tại tỉnh Lâm Đồng, tổng kinh phí hơn 381 tỉ đồng, từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, tới nay chỉ 98 công trình trong số đó (khoảng hơn 35%) còn phát huy hiệu quả. Số còn lại đã bị hư hỏng, hiệu quả sử dụng thấp. Trong đó, 104 công trình hư hỏng, không hoạt động. Các cơ quan hữu trách của Lâm Đồng vẫn đang truy vấn nguyên nhân, trách nhiệm, song người dân thì phải tự cứu lấy mình bên cạnh những công trình đã hoen gỉ, mục nát từ lâu…

Tại nhiều địa phương khác từ Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hà Nội…, nhiều dự án đã được Quốc hội chỉ rõ là lãng phí, không hiệu quả, yêu cầu xử lý, song tới nay vẫn im lìm hoặc loay hoay trong bế tắc.

Lê Hiệp

Bài viết cùng chuyên mục