|
|
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác lập pháp của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn, ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được các cơ quan, bộ, ngành, viện nghiên cứu tham gia thực hiện, phản biện qua nhiều vòng. Các dự thảo sau khi xây dựng, được đăng tải rộng rãi để đón nhận ý kiến người lao động nói riêng và nhân dân nói chung. Từ đây cho thấy, có thể phát huy mối quan tâm sâu rộng hơn trong xã hội bằng việc thông tin rộng rãi về những kết quả trao đổi, thảo luận trong mỗi kỳ họp trên nghị trường Quốc hội. Qua đó đón nhận thêm nhiều góp ý, gợi mở trong các tầng lớp nhân dân, cũng như ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Rộng hơn, cũng chính từ thực tiễn ngày càng sinh động mà vấn đề xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật ngày càng trở nên cấp bách. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần khẳng định qua các bài viết, bài phát biểu rằng, phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. “Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư, không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ”. Tinh thần này một lần nữa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: “Chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc”.
Điều đó đã được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tiếp thu một cách nghiêm túc trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Từ khi Luật Công đoàn ra đời năm 1957, một điều chưa có trong tiền lệ đó là việc bổ sung quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã ký và tham gia nhiều hiệp định đa phương, song phương quan trọng. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay có trên 136.000 người nước ngoài lao động tại Việt Nam. Nguồn lao động này góp phần nâng cao năng lực, năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Tổ chức Công đoàn cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi họ làm việc trên đất nước Việt Nam, tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Chúng ta biết là khi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập hợp pháp thì sẽ có 2 tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, đó là Công đoàn Việt Nam với tư cách là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, không chỉ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn thực hiện chức năng chính trị, xã hội và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi mối quan hệ lao động, trong mối quan hệ với người sử dụng lao động. Để tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật, ngoài việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thì việc quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp là cần thiết.
Trước yêu cầu mới, nhiệm vụ ngày càng phức tạp, đòi hỏi thời gian tới Công đoàn Việt Nam cùng hệ thống chính trị cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp, biện pháp căn cơ, lâu dài để bảo đảm hoạt động và phát huy bản chất, vai trò, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn trong kỷ nguyên mới. Tinh thần đổi mới tư duy làm luật đã được thể hiện rất rõ qua dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này. Cụ thể là việc quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng, đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh. Điều ấy thể hiện việc xây dựng luật không cứng nhắc, có nghĩa là tổ chức Công đoàn sẵn sàng chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp khi gặp những trường hợp khó khăn - đó cũng là biểu hiện sinh động của việc vừa chăm lo cho người lao động nhưng đồng thời cũng đồng hành với doanh nghiệp. |
|