Bài 1: “Quả ngọt” từ giám sát quyền lực
Dù đã có những bước tiến dài, những “quả ngọt” từ nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhưng so với kỳ vọng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 vẫn chưa cụ thể hóa các quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, đặc biệt là chưa có chế tài đủ mạnh - một “Thượng phương bảo kiếm” đủ sắc bén, dẫn đến có những kiến nghị xuyên nhiệm kỳ, những tiếc nuối, giá như… Đây cũng chính là nội dung hầu hết các địa phương kiến nghị qua nhiều nhiệm kỳ. Vậy, những chế tài đủ mạnh đó cần được cụ thể như thế nào để thực sự phát huy vai trò hoạt động giám sát quyền lực.
Báo cáo đánh giá hoạt động giám sát của HĐND các địa phương từ khi có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đều khẳng định hoạt động này của HĐND các cấp được thực thi quy củ, khoa học, bài bản và hiệu quả hơn. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý đã cộng hưởng với tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh của đại biểu kết lại thành những “quả ngọt”. Đích đến chính là các vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm,bức xúc được tiếp thu, kiên trì xem xét, giải quyết thấu đáo, không để cử tri phải trăn trở: HĐND ở đâu khi xảy ra các sai phạm ở cơ sở.
Giải quyết chế độ cho người có công sau 18 năm gửi đơn
Với tinh thần trách nhiệm và quyết liệt tháo gỡ, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị đã giám sát và đi đến cùng nhiều vụ việc kiến nghị của cử tri kéo dài nhiều năm đi đến thành công. Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng bồi hồi nhớ lại vụ việc điển hình của một Du kích (ông Nguyễn Văn Đồng, xã B, huyện Vĩnh Linh) đề nghị được hưởng chính sách như thương binh vì đã 2 lần truy điệu sống trước khi ra trận và bị thương trong trường hợp đang đào giao thông hào. Ông đã làm hồ sơ vào năm 1997 và đã có ít nhất 2 người cùng chiến đấu chứng nhận thương tật. Trong đó, có Trưởng trạm Y tế xã B trực tiếp điều trị vết thương, được UBND xã B chứng thực, thì cần chuyển hồ sơ đến Hội đồng xác nhận xã A nơi ông cư trú để xem xét.
Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị khảo sát thực tế diện tích rừng, đất rừng tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Ảnh: Thảo Nhi
Thế nhưng, Hội đồng xác nhận người có công xã B đã căn cứ vào ý kiến của Chi bộ thôn Tùng Luật - không phải là nơi ông bị thương. Vụ việc kéo dài đến khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có những quy định mới, trường hợp của ông Đồng rơi vào bế tắc…
Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp giám sát, xem xét hồ sơ của ông và quá trình giải quyết của các cơ quan, đơn vị liên quan, đối chiếu với các quy định của nhà nước làm căn cứ xem xét giải quyết hồ sơ tại thời điểm thụ lý. Với tinh thần bảo vệ công lý và tri ân người có công, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội báo cáo, làm việc trực tiếp với Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội. Cuối cùng tháng 9.2015, UBND tỉnh ra quyết định giải quyết chế độ sau 18 năm công dân gửi đơn và gần 3 năm Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội vào cuộc, với số tiền trợ cấp vỏn vẹn 850 ngàn/tháng. “Sau khi có quyết định hơn 1 năm, bác ấy đã ra đi!” – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng không khỏi xúc động nhớ lại.
Hành trình đeo bám đến cùng của đại biểu
Với người dân thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất, TP. Hạ Long, Quảng Ninh, gần 20 năm từ cánh đồng Ba Sào với 21,2ha bỏ hoang không thể canh tác do ngập lụt đến những mùa vàng tất bật là một hành trình đáng nhớ với sự vào cuộc, đeo bám đến cùng của các đại biểu dân cử. Theo cử tri, từ khi đập Đá Trắng (một hạng mục thuộc Dự án quai đê lấn biển Bắc Cửa Lục) đưa vào hoạt động (năm 2003), 21,7ha diện tích cấy lúa tại cánh đồng Ba Sào và cánh đồng 4,61ha gần khu vực ngầm Đá Trắng bị ngập lụt, trong đó có khoảng 1,2ha bị ngập úng nặng. Suốt một thời gian dài, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và huyện Hoành Bồ (trước thời điểm sáp nhập vào TP. Hạ Long) đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, việc thực hiện của các cơ quan liên quan có phần chậm trễ.
Đoàn công tác HĐND tỉnh Quảng Ninh giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại cánh đồng Ba Sào, thôn Đá Trắng tháng 7. 2016. Ảnh Q.M.G
Đến Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIII (tháng 7.2016) vấn đề này đã được đại biểu đưa ra chất vấn hết sức gay gắt. Chủ tọa Kỳ họp đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh khẩn trương hoàn thành Đề án cải tạo, phục hồi sản xuất phần diện tích đất nông nghiệp tại khu vực này và sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống thiên tai của tỉnh để khắc phục triệt để tình trạng ngập lụt từ đầu năm 2017. Ngay sau kỳ họp, ngoài bố trí 3,8 tỷ đồng hỗ trợ 100% số hộ dân có diện tích đất ngập úng thường xuyên và bị ảnh hưởng bởi ngập úng không thể canh tác, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi và tổ chức sản xuất khu vực cánh đồng Ba Sào và Dự án chống ngập lụt tổng thể cho cả khu vực.
Sau thời điểm này, thôn Đá Trắng và cả huyện Hoành Bồ chính thức được sáp nhập vào TP. Hạ Long, nhiệm vụ theo sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri vẫn tiếp tục được các đại biểu dân cử hai cấp đeo bám đến cùng. Đến cuối tháng 3.2021, Dự án cải tạo hạ tầng, khắc phục ngập lụt tại thôn Đá Trắng với ranh giới quy hoạch 43ha, tổng mức đầu tư trên 58 tỷ đồng đã được phê duyệt chủ trương đầu từ. Trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng đã rà soát, xác định chính xác diện tích bị ngập úng; thu hồi đất, kiểm đếm, lập phương án bồi thường hỗ trợ theo chế độ chính sách. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố đã nhanh chóng triển khai thi công, đưa dự án vào sử dụng trong niềm phấn khởi của 66 hộ dân thôn Đá Trắng.
Hơi ấm từ giám sát quyền lực
Theo chân một nữ đại biểu chuyên trách tại một huyện khu vực miền Trung tái giám sát việc thực thi kết luận giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND về công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ và thuyên chuyển giáo viên trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 - 2020, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Lật giở từng tập hồ sơ giám sát được lưu trữ cẩn thận, chúng tôi thấy khoảng 100 phiếu điều tra xã hội học, tất cả đều là tâm tư, nguyện vọng của giáo viên trên địa bàn huyện gửi gắm cho Đoàn Giám sát. Để có được những tấm phiếu giá trị này, nữ đại biểu chuyên trách đã nghiên cứu, tìm hiểu, tham vấn ý kiến chuyên gia và cử tri tham mưu cho Đoàn được đầy đủ. Trên cơ sở phiếu điều tra, với sự tâm huyết, quyết liệt của Trưởng ban, Trưởng đoàn giám sát, Đoàn giám sát đã gặp gỡ để phỏng vấn, hoàn thành các phiếu hỏi. “Vì sao lại phải dùng phiếu hỏi? Đó là vì thời điểm đó qua tiếp xúc cử tri (TXCT), qua đơn khiếu nại, HĐND nhận được khá nhiều thông tin nhạy cảm về vấn đề thuyên chuyển giáo viên cũng như bố trí, sắp xếp đội ngũ, tuyển dụng giáo viên. Do đó, lấy phiếu điều tra, không ký tên để nắm tâm tư là cách tốt nhất để có được thông tin chính xác.” - nữ đại biểu chia sẻ.
Nữ đại biểu đưa cho chúng tôi xem một phiếu hỏi khá đặc biệt, một nữ giáo viên vừa sinh con được hai ngày đã có quyết định thuyên chuyển công tác, do cô sinh con thứ ba sợ ảnh hưởng đến phong trào của trường. Phiếu không ký tên nhưng Đoàn dễ dàng xác minh được cử tri đó là ai, gặp gỡ riêng để lấy được bằng chứng, chuẩn bị cho đối chất. Cứ như vậy, hàng loạt các vấn đề cử tri ngành giáo dục trăn trở, bức xúc có địa chỉ với bằng chứng rõ ràngđược đưa ra tại cuộc đối chất giữa Đoàn, đại diện UBND, phòng giáo dục và các ngành liên quan cũng như đại diện cử tri. Ba mặt một lời, bằng chứng thuyết phục, 12 hạn chế, vướng mắc tương ứng với đó là 12 nhóm kiến nghị đã được UBND huyện nhận diện rõ, tiếp thu ngay tại cuộc giám sát.
Nữ đại biểu nhớ như in phiên đối chất cực kỳ căng thẳng. Khi Trưởng ban quyết liệt, các bằng chứng đưa ra thuyết phục, cùng với công cụ trình chiếu nên các phòng, ngành không thể… chối cãi được. Cùng chị gặp lại nữ giáo viên năm xưa đã kiến nghị qua mẫu phiếu điều tra và nhận được lời cảm ơn chân thành của cử tri dành cho nữ đại biểu, chúng tôi cũng thấy ấm lòng.
Để người dân “không chờ, không hẹn”
Một buổi TXCT tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh trước các kỳ họp thường lệ, không khí luôn “nóng” lên bởi hàng loạt ý kiến của cử tri đề nghị “đuổi cán bộ” vì không giải quyết kịp thời hồ sơ, thủ tục hành chính cho dân. Đó là khung cảnh của những cuộc TXCT đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bây giờ, các cuộc TXCT đã không còn những ý kiến phản đối quyết liệt, thay vào đó là những tình cảm chân thành dành cho cán bộ, công chức UBND phường. “Tiếp đón thân thiện, hướng dẫn tận tình, đặc biệt có những thủ tục trước đây phải đợi cuối buổi hoặc mấy ngày mới được giải quyết theo giấy hẹn thì nay người dân không phải chờ đợi, cũng không cần giấy hẹn mà được được giải quyết luôn.” - cử tri Bùi Thị Tam, tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận bày tỏ.
Thường trực HĐND phường Đức thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh khảo sát thực tế mô hình "thủ tục hành chính không chờ, không giấy hẹn" tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường. Ảnh: Bình Nguyên
Qua tìm hiểu thì đây chính là mô hình “6 thủ tục hành chính không chờ, không giấy hẹn” tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả phường Đức Thuận được UBND phường thực hiện từ tháng 6.2023. Khi người dân đến giải quyết 1 trong 6 thủ tục hành chính đều không phải nhận phiếu hẹn, thời gian xử lý tối đa là 1 giờ đồng hồ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ. Đây cũng là mô hình cải cách hành chính hiệu quả nhất của tỉnh Hà Tĩnh hiện nay được nhiều địa phương trong tỉnh tham quan học tập.
Để có được mô hình này, sự vào cuộc giám sát, đồng hành của HĐND phường đóng vai trò quan trọng. Theo đó, trước tình hình cử tri bức xúc với tinh thần, thái độ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân chậm, không đúng hẹn, xếp hạng cải cách hành chính của phường rơi vào tốp cuối của thị xã, HĐND phường dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND đồng thời là Bí thư Đảng ủy đã giám sát, làm việc cụ thể với UBND và các bộ phận liên quan bàn giải pháp chấn chỉnh. Các kiến nghị của Đoàn giám sát đã được UBND phường tiếp thu, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo thành mô hình “6 thủ tục hành chính không chờ, không giấy hẹn”, thực sự tạo được sự hài lòng, đồng thuận từ người dân, doanh nghiệp chỉ sau 4 tháng triển khai. Qua đó, tháo gỡ những điểm “nghẽn”, giúp công tác cải cách hành chính tại phường có những “đột phá” - ông Lê Hồng Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đức Thuận phấn khởi chia sẻ.