Tác phẩm đoạt giải lần 2

Thực thi dân chủ bảo đảm bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân (tiếp theo và hết)

24/11/2023
Ở Việt Nam, việc thực thi dân chủ thuộc về bản chất và là một trong những nội dung cốt lõi để lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, để người dân được thể hiện quyền con người, quyền làm chủ trên các phương diện. Tính ưu việt của chế độ dân chủ ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Loạt bài về “Thực thi dân chủ bảo đảm bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân” sẽ góp phần khẳng định giá trị, hiệu quả việc thực thi dân chủ ở Việt Nam.

Bài 3: KHUYẾN NGHỊ THỰC HIỆN DÂN CHỦ CỦA QUỐC HỘI

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong 37 năm đổi mới, Quốc hội đã từng bước cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong tổ chức hoạt động, trong lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, nhằm hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đáp ứng được khát vọng của nhân dân, phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn Việt Nam. Trải qua thời gian, Quốc hội đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, dân chủ phát huy cao nhất vai trò của các đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước. 

Ở Việt Nam, quyền lực Nhà nước là thống nhất, thể hiện tập trung ở Quốc hội với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Hiện nay, về tổ chức, Quốc hội có 3 cơ quan chính: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội do cử tri trực tiếp bầu cử thông qua bỏ phiếu. Từ Quốc hội khóa IX (1992-1997) cho đến nay, việc bố trí đại biểu Quốc hội chuyên trách đã làm thay đổi sâu sắc cơ cấu tổ chức, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; là đòi hỏi khách quan; bảo đảm đủ nguồn lực để Quốc hội thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Mặt khác, việc bố trí đại biểu Quốc hội chuyên trách được gắn với việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, bao gồm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, dù có chuyên trách thì hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng là hoạt động theo nhiệm kỳ.

Có điều đặc biệt là, so với nghị viện của nhiều quốc gia trên thế giới thì có thể nói, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đây là một thiết kế rất đặc thù của Quốc hội Việt Nam. Ủy ban có hai nhóm nhiệm vụ chính: Một là điều hành, bảo đảm cho hoạt động bình thường của Quốc hội như: công bố, chủ trì bầu cử đại biểu Quốc hội, tổ chức, chuẩn bị, triệu tập, chủ trì kỳ họp; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, bảo đảm các điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội và Quốc hội. Hai là lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước. 

Đặc điểm nổi bật của Quốc hội Việt Nam là không hoạt động thường xuyên mà hoạt động theo kỳ họp (mỗi năm thường diễn ra 2 kỳ họp). Kỳ họp Quốc hội là nơi phản chiếu đầy đủ nhất, chính xác nhất chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, kỳ họp cũng là quá trình rèn luyện, thử thách, đánh giá năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các thiết chế của Quốc hội. Qua mỗi kỳ họp, người đại biểu thấy được những điểm mạnh, điểm yếu, cử tri cũng có điều kiện để đánh giá về trình độ, năng lực, bản lĩnh của người mà mình đã tín nhiệm bỏ phiếu lựa chọn.

Ưu điểm lớn nhất trong hoạt động của Quốc hội là ở những nhiệm kỳ gần đây, cơ cấu tổ chức của Quốc hội đã có sự đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động so với những nhiệm kỳ trước. 

Điển hình là công tác chuẩn bị cho mỗi kỳ họp đã được tiến hành rất cụ thể, chi tiết và mang tính chủ động cao. Theo đánh giá tổng kết, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc chuẩn bị và triệu tập kỳ họp, quyết định thời điểm tổ chức kỳ họp, nội dung, dự kiến và quyết định chương trình kỳ họp, trình tự, thủ tục, cách thức và các nguyên tắc tiến hành kỳ họp, các thành phần tham gia và khách mời của kỳ họp, các tài liệu phục vụ kỳ họp, việc công khai và công bố các hoạt động và kết quả của kỳ họp... đều được tiến hành dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Theo thống kê, hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam qua các nhiệm kỳ đã thể hiện rõ sự tiến bộ. Ví dụ, Quốc hội khóa IX ban hành 36 luật và 41 pháp lệnh thì hiện nay đã ban hành được một hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh. Trong các dự án luật đã được thông qua, có nhiều luật mới, lần đầu tiên được ban hành ở nước ta, như Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, Luật Quản lý nợ công; trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước có Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; Luật Bình đẳng giới; Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Công nghệ cao, Luật Đa dạng sinh học... Nội dung của các dự án luật được Quốc hội thông qua khá phong phú, điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Từ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; đến việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế, công cụ quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Nội dung của các dự án luật phù hợp với thực tiễn đất nước, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ của nhân loại. Kịp thời bổ sung và hoàn thiện các luật không phù hợp với sự vận động và phát triển của thực tiễn.

Công tác tham gia xây dựng các dự án luật được các đại biểu và các đoàn đại biểu Quốc hội rất chú trọng. Ví dụ, từ năm 2021 đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức 5 kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã tham gia các kỳ họp đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm, đóng góp ý kiến xây dựng 25 dự án luật thông qua và 27 dự án luật cho ý kiến, 88 nghị quyết và nhiều chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác. Đơn cử như tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (2 đợt, kéo dài từ ngày 22-5 đến ngày 24-6-2023), các đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu và tham gia phát biểu 30 lượt ý kiến góp ý vào các dự thảo luật và một số nội dung quan trọng (trong đó, có 11 lượt ý kiến phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường, 19 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ). Các đại biểu Quốc hội trong đoàn đã có 3 lượt chất vấn, tranh luận tại hội trường. Ý kiến chất vấn, tranh luận của đại biểu Quốc hội tỉnh đã phản ánh được những vấn đề bức xúc của xã hội, những vấn đề còn tồn tại trong quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh đó, hoạt động tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội cũng có sự đổi mới. Ví dụ ở Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2021 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 15 cuộc tiếp xúc cử tri với tổng số trên 1 nghìn đại biểu cử tri tham dự, trong đó có 2 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri đã có 107 lượt cử tri phát biểu; tổng hợp, phân loại được 279 kiến nghị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó 163 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương, 116 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan ở địa phương (1).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì nhận thấy, việc tổ chức hoạt động của Quốc hội hiện nay còn một số hạn chế. 

Do việc lựa chọn nhân sự bầu cử Quốc hội thiên về cơ cấu đại diện cho dân tộc, tôn giáo, ngành… nên chất lượng đại biểu Quốc hội có phần chưa được đồng đều.

Quốc hội nước ta bao gồm các đại biểu hoạt động chuyên trách và các đại biểu hoạt động không chuyên trách; các đại biểu hoạt động ở địa phương và các đại biểu hoạt động ở Trung ương; các đại biểu không chuyên trách kiêm nhiệm các chức vụ chủ chốt ở Trung ương và các chức vụ chủ chốt ở địa phương; các đại biểu không chuyên trách là các nhà khoa học, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp, nhà hoạt động thực tiễn... với tuổi đời, thế hệ, trình độ, chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm công tác rất đa dạng.

Chất lượng tổ chức các kỳ họp Quốc hội như hiện nay phải phụ thuộc vào các yếu tố, nhiều cơ quan đòi hỏi phải tổ chức phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp, như: Năng lực, tinh thần trách nhiệm làm việc của các đại biểu Quốc hội; việc chuẩn bị, công tác tổ chức, điều hành, chủ trì kỳ họp; mô hình tổ chức, năng lực và phương thức hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho Quốc hội. Các yếu tố này đều có vai trò đặc biệt quan trọng, đòi hỏi quá trình thực hiện phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng ăn khớp cả ở trong và ngoài Quốc hội.

Năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố sơ lược cuộc điều tra xã hội học lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân đánh giá về hoạt động của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Kết quả, hơn 85,13% số người được hỏi đã đánh giá rất tốt về chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Có hơn 70% số người được hỏi đã hài lòng đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2011-2016. Tuy nhiên, bên cạnh đó có 13% số người được hỏi cho rằng chưa tốt. Có 58,22% số người được hỏi đánh giá, đại biểu còn chưa sâu sát, chưa thật sự quan hệ gần gũi, chặt chẽ với nhân dân (2). Đến nay, chưa thấy có địa phương nào trong cả nước công bố kết quả nghiên cứu về vấn đề này như tỉnh Vĩnh Long.  

Cũng năm 2016, trong bài báo đăng trên Tạp chí Giáo dục Việt Nam “Cần xây dựng tiêu chí để đánh giá chất lượng đại biểu Quốc hội” (3) đã phản ánh thực trạng không mấy sáng sủa. Họ thông tin, trong những kỳ họp xảy ra khá nhiều chuyện đáng tiếc liên quan tới việc đại biểu Quốc hội “bấm nút hộ” hoặc vắng mặt trong các phiên họp tại hội trường. Đặc biệt có đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu. Minh chứng cụ thể nhất là vào ngày 14-11-2015, khi tham gia biểu quyết toàn văn Nghị quyết về ngân sách trung ương năm 2016, có hơn 100 đại biểu Quốc hội vắng mặt. Ngoài đưa ra lý do các đại biểu không chuyên trách vắng mặt để giải quyết công việc, bài báo cũng nêu một số nhận định cho rằng, việc đại biểu vắng họp, ít thảo luận... vì ngại đụng chạm. Tuy nhiên, từ các kỳ họp sau đó của Quốc hội khóa XIV và cho đến nay, tình trạng này đã được cơ bản khắc phục và không còn những biểu hiện giống như báo chí đã phản ánh, phân tích.   

Để mỗi chủ thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình tại kỳ họp, đặc biệt là để phát huy được tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, trong các kỳ họp để thực hiện chức năng, thiết nghĩ, vấn đề quan trọng là Quốc hội cần đổi mới theo hướng tìm các giải phát nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, trong đó vấn đề căn cốt là nâng cao chất lượng, số lượng đại biểu chuyên trách và tổ chức các kỳ họp, chất vấn có chiều sâu, đảm bảo dân chủ được phát huy tốt hơn.

Tăng cường dân chủ, khuyến khích các địa phương, các tầng lớp nhân dân trong cả nước lựa chọn được những đại biểu Quốc hội thực sự có tài, có đức, có đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu. Việc giới thiệu ứng viên trở thành đại biểu Quốc hội phải hết sức cẩn thận, cử tri phải thật sáng suốt để lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đại biểu Quốc hội phải được bồi dưỡng kiến thức về pháp luật và kỹ năng đại biểu để có đủ năng lực tham gia làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật; đồng thời, thực hiện đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. 

Tăng cường nâng cao nhận thức của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm xây dựng luật. Bởi luật quy định những vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của đất nước trên phạm vi toàn xã hội, trong thời gian khá dài, vì vậy, Quốc hội nói chung và từng đại biểu Quốc hội nói riêng phải ý thức được việc làm luật là nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cao cả của mình đối với nhân dân và đất nước.

Cạnh đó, Quốc hội cần coi trọng việc tổng kết, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp, nhất là đánh giá chất lượng của các luật đã được thông qua, hiệu quả thực tiễn của các luật đó sau thời gian thực hiện nhất định. Cần tổng kết đánh giá chi phí cho việc làm luật; đánh giá tinh thần, thái độ, kết quả hoạt động của các bộ phận, đơn vị, đại biểu Quốc hội tham gia làm luật và công bố thông tin cho cử tri biết.

Phát huy dân chủ trong tổ chức hoạt động của Quốc hội là xương sống, là sợi chỉ đỏ để bảo đảm cho Quốc hội thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. Chất lượng hoạt động của Quốc hội càng cao và hiệu quả thì càng chứng tỏ sự ưu việt của thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa. Nó là điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, do dân và vì dân. Nó cũng là điều kiện số 1 để thúc đẩy mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

----------------------------------------
(1) Đổi mới, nâng chất lượng hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội 

 https://baolangson.vn/chinh-tri/dai-bieu-dan-cu-voi-cu-tri/608149-doi-moi-nang-chat-luong-hoat-dong-cua-doan-dai-bieu-quoc-hoi.html

(2) Người dân đánh giá cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và HĐND 

https://baovinhlong.com.vn/thoi-su/201607/nguoi-dan-danh-gia-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-dai-bieu-quoc-hoi-va-hdnd-2712438/

(3) Cần xây dựng tiêu chí để đánh giá chất lượng đại biểu Quốc hội 

https://giaoduc.net.vn/can-xay-dung-tieu-chi-de-danh-gia-chat-luong-dai-bieu-quoc-hoi-post166578.gd

Nguyễn Thị Hằng

Bài viết cùng chuyên mục