Tác phẩm đoạt giải lần 2

Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Bài 5: Chủ động, quyết liệt từ yêu cầu thực tiễn (Tiếp theo và hết)

04/12/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV".

Hơn nửa nhiệm kỳ nhìn lại, với những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, nhiều vấn đề tồn tại đã được giải quyết, nhiều ách tắc đã, đang và sẽ tiếp tục được khơi thông để thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, qua chất vấn và thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu cho thấy vẫn còn đó những lời hứa còn dang dở, chưa thực hiện xong. Điều đó có lẽ là sự thôi thúc Quốc hội chủ động hơn, quyết liệt hơn, giám sát đến cùng việc thực hiện lời hứa trước cử tri và nhân dân.

Có những công việc còn dang dở

Qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư cho thấy, bên cạnh việc nêu bật những kết quả đạt được cũng còn rất nhiều lời hứa vẫn chưa được thực hiện xong ở tất cả 21 lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý trong nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp là tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn còn chậm. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt rất thấp. Số vay để đảo nợ có xu hướng ngày càng cao; tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong công tác đấu thầu, mua sắm tài sản công. Việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm.

Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Bài 5: Chủ động, quyết liệt từ yêu cầu thực tiễn (Tiếp theo và hết)
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nằm trong kế hoạch giám sát chuyên đề của Quốc hội. Ảnh: TẠ HẢI 

 

Trong nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, việc ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa chậm so với yêu cầu. Cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thị trường điện; cung-cầu điện vẫn còn bất cập. Nhiều dự án thủy điện chưa chấp hành các quy định về xây dựng, quy hoạch, môi trường. Chưa ban hành bộ tiêu chí để xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu còn diễn biến phức tạp. Các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm. Thị trường bất động sản, nhà ở còn khó khăn do vướng mắc về thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn. Giá nhà ở còn ở mức cao so với thu nhập của người dân. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai còn chậm. Còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các lưu vực sông...

Trong nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội, chất lượng lao động, năng suất lao động của lực lượng lao động còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng thiếu trường lớp, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên chậm được khắc phục; việc biên soạn và cung ứng sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn bất cập. Khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Việc tinh giản biên chế vẫn còn mang tính cơ học và chủ yếu giảm từ số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu. Việc cải cách tiền lương chưa bảo đảm tiến độ.

Trong nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chưa giảm. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế. Chất lượng, hiệu quả thực hiện kết luận thanh tra còn chưa cao. Tỷ lệ bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Một số trường hợp phải đình chỉ điều tra bị can vẫn xảy ra...

Quyết liệt theo đến cùng việc thực hiện lời hứa

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ năm của Quốc hội cho thấy, Chính phủ và các bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị của cử tri, đạt 99,5%, trong đó đã giải trình, cung cấp thông tin về 2.144 kiến nghị, chiếm 82,8% tổng số kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết. Đã nghiên cứu, xem xét, giải quyết xong 111 kiến nghị, chiếm 4,3% trong tổng số kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết trả lời; đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét giải quyết 336 kiến nghị, chiếm 13%. Như vậy, vẫn còn những kiến nghị của cử tri chưa được trả lời, tỷ lệ giải quyết xong kiến nghị còn thấp so với tổng số kiến nghị. Tuy vẫn biết các cơ quan trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri còn phải căn cứ vào pháp luật, phải xem xét những kiến nghị ấy có cơ sở để trả lời, để giải quyết hay không, nhưng cử tri và nhân dân vẫn luôn mong mỏi những kiến nghị của mình được giải quyết triệt để.

Qua trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành, việc chậm hoàn thành các lời hứa đã đưa ra trước Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành cũng đã đưa ra lời hứa sẽ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện để hoàn thành các chức trách, nhiệm vụ được giao.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét ban hành nghị quyết về chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các vị bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.

Nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu sẽ là căn cứ quan trọng ghi lại từng nội dung công việc mà Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. Cử tri và nhân dân mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội có các hình thức giám sát lại phù hợp, quyết liệt, theo đến cùng việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, bởi đó là những lời hứa có quan hệ mật thiết với tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, nhất là sinh kế của người dân, sự tồn vong của doanh nghiệp cũng như quyết định tới trình độ phát triển, yếu tố phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ quan điểm rằng hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác giám sát trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan tập trung cao độ cho việc chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; xây dựng và ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Việc tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội (tương tự như hoạt động chất vấn trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải được thực hiện thường xuyên hơn, nhạy bén hơn, bám sát những vấn đề nổi lên hằng ngày, hằng giờ. Đặc biệt là cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, công khai, minh bạch để người dân, xã hội trực tiếp tham gia phản biện, giám sát việc thực hiện. Người dân, báo chí trực tiếp tham gia theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát chính là hình thức chế tài mạnh mẽ nhất, tạo áp lực và biến áp lực thành động lực để các cơ quan tích cực, quyết liệt thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng, sau khi có kết luận giám sát, cần yêu cầu đơn vị, tổ chức được giám sát báo cáo, giải trình làm rõ những vấn đề đã thực hiện được, chưa thực hiện được và đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện đối với những vấn đề được giám sát. Đồng thời cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trước, trong và sau khi có kết luận giám sát chuyên đề để kịp thời thông tin đến cử tri, nhân dân đối với những vấn đề nóng, cấp bách, gây bức xúc lớn trong dư luận.

Với tinh thần Quốc hội đồng hành, kiến tạo phát triển, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của Quốc hội các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; cùng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các bộ, ngành xác lập những lời hứa rất cụ thể trước đồng bào, cử tri cả nước về từng vấn đề, từng lĩnh vực cụ thể. Điều đáng hoan nghênh là Quốc hội đã bằng hành động thực tế khẳng định rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội nhằm khẳng định những việc đã làm được, làm tốt; chỉ ra những việc còn làm chưa tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đồng thời sát cánh cùng các cơ quan hữu quan tìm phương pháp hữu hiệu giải quyết những tồn tại, khơi thông khó khăn, vướng mắc để hướng tới mục tiêu cao nhất là đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh, bền vững, hoàn thành các mục tiêu nhiệm kỳ và các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

 Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành. Đồng thời, thông qua hoạt động tái giám sát, sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững”.
HỒ QUANG PHƯƠNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Bài viết cùng chuyên mục