Tác phẩm đoạt giải lần 2

Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Bài 3: Lắng nghe tiếng nói từ cuộc sống, gỡ rào cản phát triển

02/12/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV".

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội XV tới nay, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội luôn lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, từ đó lựa chọn vấn đề đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, chương trình giám sát. Nhiều dự án luật đã được điều chỉnh nội dung cho phù hợp thực tiễn, có những dự án chưa được thông qua như kế hoạch ban đầu mà thận trọng tiếp tục tiếp thu ý kiến, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung để đạt chất lượng tốt nhất.

Lắng nghe để điều chỉnh các dự án luật

Khi xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, về vấn đề điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại tổ chức có sử dụng lao động, do còn có ý kiến khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Tổng hợp kết quả cho thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội về các phương án chưa đạt mức độ tập trung cao nên ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp, tham khảo ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để nghiên cứu, có phương án tiếp thu phù hợp, bảo đảm vừa thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhưng không gây xáo trộn, không tạo thêm gánh nặng về trách nhiệm, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh nói chung.

Trong quá trình thảo luận, xem xét, tiếp thu ý kiến về dự thảo luật, đã có 8 hiệp hội doanh nghiệp gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân là đối tượng của luật này. Đại diện các hiệp hội cho rằng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nếu áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây ra nhiều khó khăn và chưa phù hợp với thực tế. Theo các hiệp hội, doanh nghiệp tư nhân bản chất vận hành theo cơ cấu tự đầu tư để gây dựng doanh nghiệp bằng chính nguồn vốn của mình, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định việc quản trị doanh nghiệp mà không cần phải hỏi ý kiến người lao động. Luật pháp cũng quy định về việc doanh nghiệp có quyền tự chủ trong kinh doanh. Nếu luật này áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân thì chỉ nên áp dụng ở mặt bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động như hiện tại Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đã có quy định dựa trên cơ chế giám sát, kiểm tra và thương lượng.

Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV: Bài 3: Lắng nghe tiếng nói từ cuộc sống, gỡ rào cản phát triển

 Cử tri Phạm Văn Truyền nêu ý kiến trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Thêm nữa, theo các hiệp hội, doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện quy chế dân chủ theo luật pháp quy định (như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn)..., việc thêm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ gây ra sự chồng chéo, trùng lặp không cần thiết. Mặt khác, các doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn để đại diện cho người lao động, không nên phát sinh thêm một tổ chức mới là thanh tra nhân dân hoạt động chồng chéo, gây tốn chi phí, tốn nhân lực cho công đoàn và doanh nghiệp. Cũng theo các hiệp hội, việc cung cấp và công khai hết toàn bộ thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị doanh nghiệp như: Tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình hoạt động, thang lương, bảng lương... cho toàn thể người lao động, công đoàn, ban thanh tra nhân dân là không phù hợp, không chính đáng, đi ngược lại với quyền tự chủ của doanh nghiệp theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ.

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã có những chỉnh lý, bổ sung quan trọng, đưa ra phạm vi điều chỉnh hợp lý, loại bỏ những nội dung quy định bất cập, chưa sát với thực tế, bảo đảm tính khả thi khi được chính thức có hiệu lực.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội khi đã trao đổi nhiều chiều trong công tác xây dựng dự án luật. Phó chủ tịch VCCI cho rằng cách tiếp cận hiện đại như vậy cho thấy những đổi mới tích cực rõ rệt trong hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Đó chỉ là một trong những câu chuyện cụ thể cho thấy, Quốc hội khóa XV đã thận trọng, chủ động lắng nghe nhiều chiều, trân trọng ý kiến cử tri và nhân dân, thể hiện tính dân chủ và khách quan để luật, nghị quyết khi được xây dựng, thông qua sẽ có giá trị cao, tránh những xung đột pháp lý, những bất cập trong các quy định của pháp luật gây gánh nặng cho xã hội.

Vì thận trọng nên Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo kế hoạch ban đầu thì dự án luật này sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ tư, nhưng qua thảo luận, ý kiến các đại biểu Quốc hội còn nêu nhiều vấn đề, nhất là về tài chính khám, chữa bệnh và tự chủ bệnh viện. Chính vì vậy, sau khi xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua luật tại Kỳ họp thứ tư để có thêm thời gian chuẩn bị nội dung. Và sau đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua chỉ hơn một tháng sau trong Kỳ họp bất thường.

Tương tự, Luật Đất đai (sửa đổi) theo dự kiến ban đầu sẽ được thảo luận qua 3 kỳ họp và được thông qua tại Kỳ họp thứ sáu. Thế nhưng do vẫn còn nhiều vấn đề chưa tháo gỡ được nên Quốc hội chưa thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ sáu. Mặc dù thị trường bất động sản đang rất cần "cú hích" từ Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc chưa thông qua dự án sửa đổi Luật Đất đai là đúng đắn, bởi trong dự thảo của luật này còn một số nội dung nếu ban hành chưa thể tháo gỡ được; có khi còn gây khó khăn mới như vấn đề giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, đền bù... Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng: “Luật Đất đai rất quan trọng, nếu làm vội vã, thông qua vội vã mà chưa đánh giá được tác động thật chi tiết thì đưa luật mới vào đôi khi chưa chắc có hiệu ứng tốt, thậm chí có hiệu ứng ngược. Vì thế, việc Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ sáu này là đúng, cần thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn”.

Chủ động tạo diễn đàn để tiếp thu ý kiến

Việc mở các diễn đàn để trực tiếp lắng nghe các ý kiến trong xã hội đã trở thành một phương pháp để thiết kế chính sách, xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Trong lịch sử Quốc hội, lần đầu tiên, Diễn đàn Người lao động được tổ chức. Đó là chiều 28-7-2023, tại Hội trường Diên Hồng (thuộc Nhà Quốc hội), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn”. Diễn đàn có sự tham gia của 500 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động ở tất cả các tỉnh, thành, ngành, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đại diện cho 11 triệu đoàn viên, hơn 50 triệu người lao động cả nước.

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, diễn đàn là một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt. Đây chính là dịp để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và các đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng trực tiếp của các cử tri là những người lao động. Điều này thể hiện sự thấu hiểu, chia sẻ và gần gũi hơn của Quốc hội đối với người lao động, từ đó hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Thời gian vừa qua, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của công nhân, người lao động diễn ra với số lượng rất lớn. Bởi người lao động nhận thấy vấn đề cần bảo đảm cho cuộc sống trước mắt của họ. Tại diễn đàn, nhiều ý kiến của người lao động phản ánh, bảo hiểm xã hội đã giảm quyền lợi của người lao động như tăng số năm phải đóng bảo hiểm xã hội; hoặc khi người lao động nghỉ việc trước thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ bị trừ lùi với tỷ lệ gần như gấp đôi (trước đây quy định trừ 1% thì nay quy định trừ 2%)... Từ đó, người lao động có biểu hiện thiếu niềm tin trong việc bảo đảm thực hiện các quyền lợi của người lao động cũng như bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Cũng tại diễn đàn, vấn đề nhà ở cho công nhân và người lao động cũng là nội dung rất được quan tâm.

Những kiến nghị của người lao động đã được tiếp thu. Tại Kỳ họp thứ sáu, khi được trình ra Quốc hội, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được thiết kế theo hướng có lợi hơn cho người lao động.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam trở thành sự kiện thường niên của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, cử tri, nhân dân đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội.

Qua 3 lần tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều đề xuất, gợi mở hữu ích tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, quyết liệt, ứng phó kịp thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế. Cũng từ nhận diện được bối cảnh, tình hình mới, Quốc hội đã kịp thời bổ sung vào chương trình nghị sự các nghị quyết để nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, chống thất thu thuế như: Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để giải những “bài toán khó”

Trước kỳ họp, đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương đều tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri. Để việc tiếp xúc cử tri hiệu quả, chuyên sâu hơn, các đoàn đại biểu Quốc hội có sự đổi mới, linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, đối tượng đặc thù hoặc theo khu vực... Nhiều cử tri cho rằng, việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề khiến các ý kiến đóng góp chất lượng, tập trung và thiết thực hơn. Nhiều kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết thấu tình đạt lý.

Ví dụ như, trong buổi tiếp xúc cử tri hai ngành giáo dục và y tế do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17-10 vừa qua, chuyên đề chính sách tiền lương được nhiều cử tri quan tâm. Cử tri cho rằng chính sách tiền lương dù đã trải qua nhiều lần cải cách vẫn chưa tạo động lực đủ mạnh để người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Ngành giáo dục và y tế được đánh giá rất quan trọng, tuy nhiên, chính sách về tiền lương của hai ngành hiện còn nhiều bất cập.

Dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được cử tri rất quan tâm và cùng được đưa ra xem xét tại Kỳ họp thứ sáu. Hai dự thảo luật này đã được lấy ý kiến cử tri ở những thành phố có mật độ giao thông đông đúc, có tình hình giao thông phức tạp. Lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố giải đáp ngay những nội dung thuộc thẩm quyền; tiếp thu các ý kiến để tổng hợp, báo cáo Quốc hội, cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

HỒ QUANG PHƯƠNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Bài viết cùng chuyên mục