Tác phẩm đoạt giải lần 2

Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Bài 2: Giám sát không để xảy ra các đứt gãy của nền kinh tế

01/12/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV".

Một lời hứa đặc biệt quan trọng của Chính phủ trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước là bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là cơ sở chính cho sự phát triển của đất nước, bảo đảm đời sống nhân dân. Với sự điều hành chủ động, quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát sát sao của Quốc hội, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản vẫn được giữ vững.

Tuy nhiên, ở những thời điểm nhất định đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Điều đó cho thấy cần có sự giám sát quyết liệt, liên tục và cùng tìm giải pháp để phòng ngừa đứt gãy ở các cân đối lớn của nền kinh tế.

Kiểm soát tỷ lệ chi trả nợ công quốc gia

Quốc hội, Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới trong bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp vô vàn khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19; những căng thẳng địa - chính trị và xung đột vũ trang giữa các nước trên thế giới.

Trong bối cảnh ấy, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội đã rất sát sao trong công tác giám sát việc thực hiện những lời hứa về việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Qua công tác giám sát, các cơ quan của Quốc hội đã nhanh chóng nhận diện được những khó khăn.

Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Bài 2: Giám sát không để xảy ra các đứt gãy của nền kinh tế
Công nhân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sửa chữa lưới điện trung áp. Ảnh: VŨ DUNG 

Từ đó, Quốc hội đã tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội lần đầu tiên vào năm 2021 để nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế hiến kế, tìm giải pháp tối ưu nhất, phù hợp nhất với điều kiện và trình độ phát triển của nước ta. Từ kết quả của diễn đàn, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia.

Đây là những kiến tạo quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tỷ lệ tăng trưởng đạt tới 8,02%, lạm phát chỉ tăng 3,15%, ngược dòng tích cực với tình hình kinh tế thế giới với tỷ lệ tăng trưởng trung bình toàn cầu năm 2022 chỉ đạt 3%, trong khi lạm phát trung bình toàn cầu lên tới 8,8%.

Qua công tác giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng nhận ra yếu tố mang tính quyết định tới sự phát triển bền vững là phải tăng cường năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của nền kinh tế nước nhà; kiên cường giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền móng vững chãi giúp nền kinh tế nước ta vượt qua mọi cơn kình phong.

Những quyết sách quan trọng về chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2022, đặc biệt là chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, phí, tiền sử dụng đất; giảm lãi suất; tung các gói tín dụng lớn đều bắt nguồn từ những quyết sách đúng đắn, kịp thời, chưa có tiền lệ và bắt nguồn từ những kết quả giám sát chuyên đề, những chất vấn, tranh luận đến cùng của các vị đại biểu Quốc hội. Nhờ vậy, nền kinh tế nước ta trong năm 2023 tiếp tục đạt được những thành tựu, là gam màu sáng trên bức tranh tổng thể rất ảm đạm của tình hình kinh tế thế giới.

Chính vì thế, trong khi nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng rất lớn do không ít doanh nghiệp đình trệ hoạt động, các thị trường đều có xu hướng hoạt động yếu hơn, các khoản chi ngân sách lại lớn hơn bình thường rất nhiều, từ chi trả ứng phó với dịch bệnh, cho tới hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn...

Trong hoàn cảnh ấy, cân đối lớn nhất là thu - chi ngân sách vẫn được bảo đảm. Thu không những đủ chi, mà còn tiết kiệm được những khoản rất lớn để phục vụ chi đầu tư phát triển và thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Đây vừa là từ sự chủ động, nỗ lực của Chính phủ, cũng là kết quả từ sự giám sát, các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ.

Tuy vậy, phát biểu kết thúc phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặc biệt nhấn mạnh tới một yếu tố cần hết sức lưu ý để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới, đó là tỷ lệ chi trả nợ công quốc gia so với tổng chi ngân sách nhà nước. "Chỉ giới đỏ" để bảo đảm an toàn với tỷ lệ này là 25%, hiện nay đã lên tới 24%. Sự cảnh báo này là rất kịp thời để các cơ quan hữu quan sớm có giải pháp bảo đảm tỷ lệ chi trả nợ công ở mức an toàn, tránh nguy cơ vỡ nợ quốc gia-sự đứt gãy nguy hiểm nhất trong tất cả các sự đứt gãy.

Chất vấn quyết liệt, cùng tìm giải pháp cho vấn đề khó

Một trong những cân đối lớn khác của nền kinh tế là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong năm 2022, nước ta đã xảy ra tình trạng xăng, dầu cung ứng không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Thiếu xăng, dầu trở thành vấn đề nóng được cử tri phản ảnh rất nhiều, được đại biểu Quốc hội nêu ra tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời trực tiếp chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên chất vấn sáng 5-11-2022, dù đây là phiên chất vấn chính thuộc lĩnh vực thanh tra.

Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân - Nhìn từ nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Bài 2: Giám sát không để xảy ra các đứt gãy của nền kinh tế
Công nhân Điện lực Điện Biên kiểm tra thiết bị trạm 110kV Điện Biên bằng máy phóng điện cục bộ (PD). Ảnh: VŨ DUNG 

Sang năm 2023, lại xảy ra tình trạng thiếu điện và đây cũng trở thành vấn đề cử tri và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Tại Kỳ họp thứ năm, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan trong việc không bảo đảm cung ứng đủ điện cho tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc thực hiện lời hứa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia tại Kỳ họp thứ sáu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa về việc cung ứng đủ điện, xăng, dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Về cơ bản, an ninh năng lượng được bảo đảm. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhất trí với những nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đó là xảy ra tình trạng thiếu xăng, dầu trong năm 2022 và cuối tháng 5, đầu tháng 6-2023 đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc.

Theo lý giải của Thủ tướng Phạm Minh Chính, mặc dù tổng công suất nguồn đạt hơn 70.000MW, nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 52.000MW, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực miền Bắc. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính, do nắm tình hình, xây dựng kế hoạch truyền tải, điều độ và khâu phân phối; trong đó việc đầu tư phát triển mạng lưới truyền tải, phân phối điện chưa được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài; công tác điều độ điện lực có những hạn chế, bất cập; phân bổ nguồn điện nền giữa các vùng, miền chưa hợp lý...

Thông qua chất vấn, hiến kế của đại biểu Quốc hội và trên cơ sở các giải pháp mà các thành viên Chính phủ đã nêu ra tại phần trả lời chất vấn, Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương phê duyệt, triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện 8. Khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng. Bố trí đủ nguồn lực, bảo đảm đến năm 2025, hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Liên tục rà soát việc thực hiện lời hứa

Bảo đảm cân đối xuất khẩu và nhập khẩu, không những không bị nhập siêu mà còn xuất siêu. Đó là điều đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu nước ta đang bị thu hẹp đáng kể do các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn vì tổng cầu yếu, lạm phát cao, các nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, rồi sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Thời gian qua, giá lương thực thế giới tăng mạnh do xung đột vũ trang giữa các nước làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu và trong bối cảnh nền kinh tế nước ta một lần nữa đứng trước thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp nước ta vẫn vững vàng thể hiện vai trò của một trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế nước nhà, không những bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn tích cực cung ứng gạo cho thị trường quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới, đóng góp tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, trong vầng hào quang thành công ấy, các đại biểu Quốc hội cũng sớm nhận ra những yếu tố thiếu bền vững của xuất khẩu hàng hóa như việc nhập khẩu nguyên, vật liệu là đầu vào thiết yếu với ngành sản xuất trong nước cũng như thị trường đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp. Bởi vậy, chất vấn lại việc thực hiện những lời hứa trong lĩnh vực này, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục đặt ra các vấn đề với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như với Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp ứng phó kịp thời khi thị trường thế giới có yếu tố bất lợi, có sự đứt gãy các chuỗi cung ứng quốc tế.

Để khắc phục hạn chế, phòng ngừa những đứt gãy đối với nền kinh tế, trong phần phát biểu kết thúc phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; tận dụng các thị trường hiện có, khai thác các thị trường mới tiềm năng.

Trong năm 2024, ban hành Bộ tiêu chí để xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam; ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tổ chức triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023, thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển, nâng cao chất lượng các hợp tác xã nông nghiệp, chú trọng xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP...

(còn nữa)

HỒ QUANG PHƯƠNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Bài viết cùng chuyên mục