Tác phẩm đoạt giải lần 2

Đổi mới hoạt động cơ quan dân cử vì mục tiêu kiến tạo phát triển (Kỳ cuối): Tăng hiệu lực, hiệu quả giám sát giải quyết kiến nghị cử tri

02/12/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Đổi mới hoạt động cơ quan dân cử vì mục tiêu kiến tạo phát triển".
 

Hiện nay, cơ bản, các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội khá đầy đủ, làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân, cử tri theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động giám sát của Quốc hội.

Tuy nhiên, một số quy định trong Luật Hoạt động giám sát chưa đủ chế tài để thực hiện, như chưa quy định rõ chế tài để quy trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân chậm, không thực hiện, thực hiện không đúng các kiến nghị giám sát; hoặc còn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề; chưa có quy định cụ thể về việc thành lập đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố theo quy định tại Điều 52, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, tôi kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; trong đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm trả lời, giải quyết các nội dung chất vấn và thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát đối với các cơ quan được giám sát sau khi kết thúc cuộc giám sát; bổ sung chế tài đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc chậm thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại huyện Quế Phong. Ảnh: Đặng Cường
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại huyện Quế Phong. Ảnh: Đặng Cường

Cùng với đó, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo hướng cần quy định đại biểu Quốc hội được quyền từ chối tiếp công dân trong trường hợp công dân đã được đại biểu Quốc hội tiếp nhiều lần mà khiếu nại, tố cáo của công dân không phát sinh tình tiết mới về cùng một nội dung vụ việc.

Đồng thời, cần quy định cụ thể về chế tài xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo được đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển, nhưng quá thời hạn quy định của pháp luật mà các cơ quan có thẩm quyền giải quyết không trả lời, không xem xét, giải quyết; chế tài xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo để xử lý các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại để gây rối, vu khống, làm mất trật tự, an toàn, xã hội.

* * * * *

 

Qua thực tiễn, có những vụ việc, lúc đầu cử tri kiến nghị một việc, nhưng do các cơ quan chức năng giải quyết không thấu đáo, cử tri lại kiến nghị thêm vài nội dung nữa, cộng lại số lượng kiến nghị tồn đọng, cần được giải quyết ngày càng tăng lên. Một số kiến nghị cử tri kéo dài, không được giải quyết hoặc giải quyết không thấu đáo, sẽ nâng cấp độ, dẫn đến đơn thư khiếu nại, thậm chí là khiếu kiện đông người.

Do đó, trên tinh thần thực thi nhiệm vụ gắn với cải cách hành chính, các cấp, các ngành phải thật sự có giải pháp giải quyết, chứ không phải giải thích và giải trình trong giải quyết kiến nghị cử tri. Bởi điều cử tri mong muốn cuối cùng là kiến nghị của mình được giải quyết.

* * * * *

 

Thực tiễn công tác quản lý Nhà nước qua nhiều thời kỳ có những tồn tại với nhiều nguyên nhân, dẫn đến có những kiến nghị của cử tri. Thứ nhất, do phân cấp từ trên xuống dưới, có những cái sai từ cấp xã, cấp huyện; hiểu biết về quy định phạm luật cũng có sự khác nhau. Ngay các bộ, ngành ban hành các nghị định, thông tư, hướng dẫn cũng chưa rõ ràng, khi ở cơ sở triển khai có vướng mắc có văn bản xin ý kiến giải đáp, thì các bộ, ngành lại trả lời là làm theo quy định, gây khó khăn cho cơ sở.

Thứ hai, ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ có tư duy, tư tưởng “làm để đạt yêu cầu, cho nhanh, cho xong chuyện”; chính tư tưởng này dẫn đến sự tắc trách, vướng mắc, khó gỡ.

Thứ ba, do sự phối hợp giữa các sở, ngành; có giai đoạn, nội dung nào cũng gửi xin ý kiến một loạt sở, ngành; mà sở, ngành nào cũng đồng ý; ngành chủ trì thì chuyển lên UBND tỉnh với việc đưa ra phương án 1, phương án 2, còn quyết phương án là tùy UBND tỉnh, nên phát sinh tồn tại.

Thứ tư, do chồng chéo quy định pháp luật giữa các lĩnh vực, như đất đai, đầu tư…

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thanh Lê
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Do đó, cần có phương pháp, cách thức tháo gỡ để hạn chế việc tồn đọng. Trước hết cần thẳng thắn với cử tri, nội dung nào có thể giải quyết được, nội dung nào không được, tránh ý kiến nào cũng tiếp thu để kiến nghị với các cấp, các ngành; vô hình trung “nuôi” hy vọng cho cử tri và số lượng này sẽ gia tăng ý kiến. Cùng với đó là có giải pháp phân loại, thống nhất lại trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết từng nội dung, kể cả những vấn đề thuộc thẩm quyền các bộ, ngành Trung ương.

Trong tiếp xúc cử tri, các đại biểu cũng cần nâng cao trách nhiệm, tiếp cận sớm với cử tri và địa phương để nhận diện trước các vấn đề, trên cơ sở đó nghiên cứu để giải trình, làm rõ, góp phần giải quyết bức xúc, hạn chế kiến nghị, phản ánh, đơn thư.

* * * * *

 

Thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của HĐND tỉnh và HĐND cấp huyện thời gian qua đã bám sát thực tiễn đời sống xã hội, những vấn đề, sự việc đang diễn ra để tiến hành giám sát. Hoạt động giám sát được thực hiện trên nhiều lĩnh vực; triển khai ở nhiều cấp độ. Thông qua giám sát, nhiều vấn đề khó khăn, hạn chế, yếu kém và vướng mắc trong triển khai các quy định của pháp luật, nghị quyết của Quốc hội và HĐND tỉnh ban hành được phát hiện, phân tích làm rõ các nguyên nhân, đồng thời, đưa ra những kiến nghị xác đáng đối với các cấp, các ngành vào cuộc xử lý.

Song băn khoăn đặt ra hiện nay, đó là vẫn còn những kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc giải quyết nghiêm túc, quyết liệt để đảm bảo các kiến nghị được xử lý triệt để, tạo hiệu quả thật sự sau giám sát.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp khảo sát, lắng nghe ý kiến người dân xã Chi Khê (Con Cuông). Ảnh: MH
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp khảo sát, lắng nghe ý kiến người dân xã Chi Khê (Con Cuông). Ảnh: MH

Ví dụ như trên địa bàn huyện Con Cuông, thông qua giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, đo đạc, cắm mốc bàn giao đất từ Nông trường chè về cho địa phương quản lý, vì trước đây diện tích được Nông trường chè trả về chủ yếu trả “trên giấy tờ” không bàn giao thực địa đã gây khó khăn cho địa phương trong việc xác định mốc ranh giới; bên cạnh đó, diện tích đất trả về chủ yếu là đất bị các hộ nhận khoán của nông trường trước đây lấn chiếm xây dựng nhà trên đất hoặc nông trường tự cắt đất cho các hộ (trái thẩm quyền) nay rất khó xử lý, cũng như việc thực hiện thủ tục cấp bìa cho người dân là không thể thực hiện được, mặc dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị thu hồi đất từ Công ty Chè Nghệ An về huyện quản lý, vì hầu như diện tích đất Công ty Chè Nghệ An nằm trong quy hoạch xây dựng khu hành chính đô thị sinh thái huyện Con Cuông, đến thời điểm này vẫn chưa được các ngành có liên quan giải quyết.

Từ thực tiễn đó, tôi kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND tỉnh cần có giải pháp, biện pháp tăng trách nhiệm đối với các cấp trong giải quyết kiến nghị sau giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử các cấp. Khi các kết luận, kiến nghị giám sát của cơ quan dân cử được thực thi một cách triệt để, thì hoạt động giám sát mới thật sự hiệu quả, ngược lại thì cũng chẳng khác nào “đánh trống bỏ dùi”, “khua chiêng, đánh trống” là xong.

* * * * *

 

Chất lượng hoạt động giám sát phụ thuộc vào chủ thể thực hiện. Do vậy, khi thành lập đoàn giám sát cần lựa chọn đại biểu có kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực, nội dung giám sát, cung cấp kịp thời các văn bản liên quan đến nội dung giám sát cho các thành viên đoàn giám sát nghiên cứu kỹ trước khi tiến hành giám sát. Trong đó, đại biểu chuyên trách nắm giữ vai trò “linh hồn”, nòng cốt của đoàn giám sát; bởi vậy, đề nghị Quốc hội, HĐND tỉnh thường xuyên quan tâm tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi kỹ năng hoạt động giám sát trên phạm vi toàn quốc, toàn tỉnh thông qua hình thức trực tuyến.

Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đối với đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Mai Hoa
Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đối với đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với đó là cần quan tâm lựa chọn, xây dựng đội ngũ đại biểu Quốc hội, HĐND chuyên trách ở nhiệm kỳ tới có trình độ chuyên môn sâu theo vị trí công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, có trách nhiệm, bản lĩnh. Mặt khác, Quốc hội cần có quy định “cứng” đối với chức danh trưởng các ban HĐND thực hiện nhiệm vụ chuyên trách, tạo sự thống nhất chung trong cả nước, tránh mỗi địa phương áp dụng một cách. Ngoài ra, hiện nay, chức danh chủ tịch HĐND cấp xã được bố trí kiêm nhiệm; yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm cao, nhưng hiện chế độ, chính sách không được hưởng; đề nghị Quốc hội xem xét có chế độ kiêm nhiệm này.

* * * * *

 

Theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động của Quốc hội và HĐND tỉnh ngày càng có nhiều đổi mới, nhất là trong các kỳ họp, các nội dung được đề cập trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn là những vấn đề thiết thực của đời sống xã hội, sát sườn với cuộc sống của Nhân dân.

Có thể nói, thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và HĐND tỉnh thời gian qua, nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc từ thực tiễn đã được đưa lên “bàn” nghị sự để phân tích làm rõ và đề ra các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề quan trọng là cần phải quyết liệt hành động và kiên trì để thực hiện bằng được các giải pháp đã đề ra.

Tôi mong rằng, Quốc hội, HĐND tỉnh tiếp tục có cơ chế giám sát hiệu quả việc thực hiện các giải pháp và lời hứa tại phiên chất vấn với một tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Ai không làm thì đứng lùi ra một bên để người khác làm, đảm bảo kỷ cương, phép nước được thực thi triệt để. Có như vậy “sức nặng” của Quốc hội, HĐND tỉnh mới thật sự “nặng” và phát huy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND tỉnh thông qua hoạt động chất vấn.

Một góc thành phố Vinh.
Một góc thành phố Vinh
Ngô Đức Chuyên, Nguyễn Thành Duy, Nguyễn Thị Mai Hoa

Bài viết cùng chuyên mục