Tác phẩm đoạt giải lần 2

Chuyên đề: Trị bệnh sợ trách nhiệm: Đừng đổ lỗi cho cơ chế

21/07/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Trị bệnh sợ trách nhiệm" – Tác phẩm vinh dự đạt giải B Giải Diên Hồng lần thứ hai.
Mọi con đường tới đích không bao giờ bằng phẳng, nhất là khi thực hiện các đột phá chiến lược, hay có những biến động phức tạp như mấy năm gần đây. Nhưng nếu đoàn kết, dám nghĩ, dám làm thì khó mấy cũng không thể cản bước đường chúng ta đi. "Non cao cũng có đường trèo/ Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi". Cha ông ta từng nói như vậy và thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước cũng đã minh chứng điều ấy.
Chất lượng sinh hoạt đảng cần luôn được chú trọng từ cấp cơ sở. Ảnh: TQN
Chất lượng sinh hoạt đảng cần luôn được chú trọng từ cấp cơ sở. Ảnh: TQN

Thế nhưng hiện nay, có một bộ phận cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm, đang là rào cản làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc hiện thực hóa mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Căn bệnh sợ trách nhiệm đã tiềm ẩn từ lâu trong một số cán bộ; việc khó thì đẩy cho người khác, cái lợi lại vơ về mình. Không phải ngẫu nhiên trong cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới phát hành đầu năm nay đã đăng bài mà tác giả viết từ 50 năm trước, với tiêu đề Bệnh sợ trách nhiệm. Gần đây, căn bệnh này có "triệu chứng" nặng hơn, làm nóng cả diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua. Đã đến lúc phải bắt mạch cho đúng, chữa trị kịp thời, không để nó lây lan.

Nhận diện bản chất của căn bệnh

Trong buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ngày 16/4/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022, thành phố có 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ này mà hầu hết các vấn đề đó đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Vì sao một địa phương là đầu tàu, năng động trong đổi mới, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam lại như vậy? Một số ý kiến cho rằng đó là do sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, dẫn đến không dám quyết, nên cứ xin ý kiến Trung ương cho an toàn.

Không chỉ với TP Hồ Chí Minh, căn bệnh sợ trách nhiệm đã lan ra nhiều địa phương, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhất là giải quyết những vấn đề nóng. Điển hình là tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đến nỗi có thời điểm một số bệnh viện phải điều chỉnh, thậm chí tạm ngưng điều trị một số bệnh vì không dám ký hợp đồng mua những thứ cần thiết ấy. Đó còn là sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công; theo Bộ Tài chính, đến tháng 4/2023, có 47/52 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương giải ngân chỉ đạt dưới 15%, trong đó nhiều cơ quan tỷ lệ này chỉ dưới 5%. Do Chính phủ đôn đốc mạnh, việc giải ngân vốn đầu tư công gần đây tuy có cải thiện, nhưng vẫn còn khiêm tốn.

Theo các nhà nghiên cứu, quản lý, các đại biểu Quốc hội thì căn bệnh sợ trách nhiệm có nhiều nguyên do. Trong đó, có thể kể đến như, trình độ, năng lực chuyên môn yếu kém, sợ sai, nên không dám quyết mà "đá bóng" lên cấp trên hoặc cho người khác. Không ít cán bộ quen được "lại quả" mỗi khi đặt bút ký, nay không có thì thiếu mặn mà và không hết mình vì việc chung. Mặt khác, cũng còn một số cơ chế, chính sách không phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời làm cho cán bộ sợ bị sai nên chần chừ, né tránh.

Có ý kiến đã biện bạch, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn phải đứng trước hội đồng xét xử. Thực tế, không phải ai làm sai cũng đều bị xử lý mà còn phải xem xét nhiều yếu tố từ chủ quan đến khách quan. Có động cơ vụ lợi không? Có thực hiện đúng các nguyên tắc hoạt động của tổ chức đảng không? Những việc chưa được quy định đã bàn bạc tập thể như thế nào?,… Những điều đó đã nêu trong một số văn bản của Đảng gần đây. Vì thế, có viện lý do gì, thì bệnh sợ trách nhiệm vẫn là vì trình độ, năng lực yếu kém; do suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, không hết mình vì việc chung.

Ai nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm

Phát biểu tổng kết Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nhiều lần người đứng đầu Đảng ta đã quyết liệt yêu cầu, nếu ai thấy nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm.

Gần hai năm trước, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14, nêu rõ "bảo vệ, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung". Đây là chủ trương tạo động lực mạnh mẽ, nhằm khơi dậy sự cống hiến của cán bộ.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng chiều 28/6 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp trong công việc chung; đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ có tư tưởng bàn lùi, né tránh, sợ trách nhiệm, muốn an toàn theo kiểu "không làm gì hết".

Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 280, đề nghị thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương phải chủ động, tích cực giải quyết các công việc được giao theo thẩm quyền, không được đùn đẩy, né tránh; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm.

Rõ ràng, không có cớ gì để viện lý vì thiếu sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; không có cớ gì để đổ lỗi cho cơ chế. Vấn đề là ý thức, trách nhiệm với việc chung của cán bộ. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, bắt mạch, kê đơn để trị bệnh sợ trách nhiệm không khó, có điều là có làm quyết liệt hay không. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần rà roát tổng thể các quy định, cơ chế, chính sách, kịp thời sửa đổi những nội dung không còn phù hợp theo hướng tạo thuận lợi nhất cho cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm; đồng thời bịt các kẽ hở để ai muốn làm trái cũng không thể làm. Cấp ủy các cấp cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân, lấy đó làm căn cứ đánh giá; đặc biệt là thay thế kịp thời những cán bộ bàn lùi, làm chậm tiến độ công việc. Phải coi việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là hành vi vi phạm cần xử lý kỷ luật thỏa đáng nếu ảnh hưởng đến tiến độ chung; xử lý hình sự nếu mức độ nghiêm trọng.

Trong tiến trình đổi mới, bên cạnh thời cơ bao giờ cũng đan xen thách thức, hóa giải được thách thức này sẽ nảy sinh thách thức khác. Vì thế muốn vững bước đi lên, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ ngang tầm, có đủ phẩm chất đạo đức để vượt qua mọi cám dỗ; có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh để xông vào việc khó, giải quyết các điểm nghẽn, những vướng mắc đặt ra hằng ngày.

Bắc Văn

Vũ Mai Hoàng, Ngô Phương Thảo, Bắc Văn, Lưu Lan Hương, Khúc Hồng Thiện, Khánh Hà, Quang Thọ

Bài viết cùng chuyên mục