Tác phẩm đoạt giải lần 2

Bước tiến lập pháp và những đột phá trên nghị trường (Bài 4)

02/12/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Bước tiến lập pháp và những đột phá trên nghị trường."

Đến hết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình lập pháp năm 2023 và 2024.  Ngay tại Kỳ họp thứ 6, có đến 8 dự án luật được xem xét thông qua và 9 dự án luật khác được cho ý kiến, ngoài ra còn nhiều nghị quyết quan trọng. Đây là cơ sở rất quan trọng cho Chính phủ ban hành hàng trăm nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định, tạo khung pháp lý thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh.

Tiêu biểu cho sự đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ chính là Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV khi được xem xét, báo cáo, quyết định theo một quy trình thần tốc, làm việc xuyên đêm, ngoài giờ hành chính để cho phép Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù khác với quy định của luật, thậm chí chưa được quy định trong luật để chủ động phòng, chống dịch, đúng với tinh thần đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quán triệt “không có bất cứ việc gì bị chậm trễ ở Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội”.

Nghị quyết số 30 đã đã định khung, định hình đi trước mở đường, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả, quyết định làm thay đổi cục diện chống dịch. Hàng loạt chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và cả sự hỗ trợ bạn bè quốc tế được triển khai, tổ chức thực hiện, đưa cuộc sống toàn xã hội trở lại bình thường, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành, chọn thời điểm thích hợp mở cửa nền kinh tế, tạo bước đột phá chiến lược cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở vững chắc cho đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của đất nước.

Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, năm 2021, các quốc gia đã trải qua nhiều biến động với sự bùng phát mạnh của đại dịch COVID-19 để lại nhiều “di chứng” nặng nề không chỉ đối với sức khỏe của con người, mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và những hệ quả khôn lường, không đo, đong đếm được. Trong bối cảnh ấy, trên cơ sở các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nhận diện rõ thực trạng, dự báo các nguy cơ và kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với các Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo nên động lực, củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để hiện thực hóa những chủ trương, đường lối sáng suốt của Đảng, góp phần đưa Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong hơn 10 năm, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Tổ chức Moody’s nâng hạng tín nhiệm trong năm 2022.

Nhiều đề xuất, gợi mở chính sách tiếp tục được nghiên cứu, chọn lọc kịp thời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó lấy trọng tâm xuyên suốt năm 2023 hướng tới “củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế”, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế và là “chìa khóa” quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của người dân.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu tại Kỳ họp thứ 6 tiếp tục khẳng định tác động quan trọng của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV khi cho rằng đây là một chủ trương và quyết sách hết sức đúng đắn, chính xác và kịp thời sau những nỗ lực của Chính phủ và Quốc hội. Một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân và người lao động đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Bên cạnh các hỗ trợ trên, nghị quyết còn dành hơn 50% nguồn lực (176.000 tỷ/337.000 tỷ  đồng) của chương trình cho đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội – tất cả đều là dự án trọng điểm mang tính chiến lược của quốc gia và hiện nay đang được triển khai rất tích cực.

Đề cập những khó khăn mà ngành y tế phải đối diện và vượt qua suốt gần 3 năm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ, trong bối cảnh đó, ngành y tế đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Quốc hội sửa Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết của Quốc hội, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành tạo hành lang pháp lý thuận lời trong bối cảnh hàng loạt thách thức đặt ra. Đặc biệt, Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2024 sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc trong việc đảm bảo nguồn cung và thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhấn mạnh việc nói đi đôi với hành động, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng, từ phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, thông điệp đầu nhiệm kỳ của Chủ tịch Quốc hội, đến nay tất cả quan điểm chỉ đạo cũng như các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về công tác lập pháp, hoàn thiện thể chế đều đã, đang được thực hiện theo kế hoạch, lộ tình đề ra. Với các dự án luật lớn, tác động sâu rộng, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đều dành nhiều thời gian, công sức để đi sâu, đi sát cơ sở, tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và người dân để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn. Chính vì vậy, tác động và tính ổn định của chính sách tốt hơn.

Nhìn lại quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Tô Văn Tám - Ủy viên Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội khẳng định, trong giai đoạn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành trong quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã làm tất cả và hơn thế nữa trong quá trình này!

 “Chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước những “cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, khi nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều ý kiến cũng khẳng định, với những kết quả quan trọng đã đạt được trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, nhìn tổng quát, kinh tế - xã hội Việt Nam như một ngôi sao ngược gió, có xu hướng phục hồi tích cực so với thế giới. Và những “cơn gió ngược đó” có thể đã khó vượt qua nếu không có yếu tố rất quan trọng là sự đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ, với mục tiêu lớn nhất là vì lợi ích quốc gia dân tộc, sự hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, tinh thần Quốc hội đồng hành Chính phủ là rất rõ. Điều đó trước hết thể hiên qua việc rà soát, tổng kết, đánh giá quá trình thực thi chính sách, pháp luật; trên cơ sở đó đề xuất, sửa đổi, bổ sung hàng loạt luật, nhất là các luật liên quan đến bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo tinh thần cải cách tư pháp của Trung ương; các đạo luận liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhất là xem xét kịp thời các quy định không còn phù hợp điều kiện thực tiễn hiện nay gây cản trở, ách tắc trong quá trình phát triển KT-XH của đất nước.

Thậm chí không ít đề xuất quan trọng xuất phát từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội. “Quốc hội đề xuất rồi cùng Chính phủ đồng hành xây dựng chính sách; lắng nghe, tiếp thu, giải trình công phu, thấu đáo và cầu thị. Điều đó giải quyết vấn đề bấy lâu nay có ý kiến cho rằng đâu đó có biểu hiện cát cứ, “quyền anh, quyền tôi”. Nhiệm kỳ này vấn đề đó được khắc phục rất tốt” – ông Đỗ Đức Duy nói.

Ông Đỗ Đức Duy cũng đánh giá rất cao việc Quốc hội ban hành các nghị quyết thí điểm thực hiện một số cơ chế chính sách khác với luật để tạo động lực cho các địa phương - trung tâm kinh tế động lực, các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển, giúp địa phương có thêm nguồn lực và động lực phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa, dẫn dắt cho các địa phương khác cùng phát triển.

Cùng chung đánh giá, ông Trần Quốc Tuấn – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh cho rằng , Quốc hội có nhiều đột phá, đổi mới, sáng tạo xây dựng các dự án luật, nghị quyết. Có những việc qua giám sát, tiếp xúc cử tri, Quốc hội gợi ý để Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội sớm xem xét, quyết định cho phù hợp thời điểm, thậm chí là thời khắc lịch sử. “Cái gì chưa có tiền lệ thì bước đầu gặp khó khăn, nhưng chúng ta đã thực hiện được lần 1 thì sẽ thực hiện được lần 2. Quan trọng nhất, những luật, nghị quyết đó phục vụ đời sống xã và phát triển đất nước”, ông Tuấn nói.

Ông cũng đánh giá cao việc Quốc hội có nhiều sáng kiến như rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhận diện quy định chồng chéo, bất cập để “khơi thông” chính sách. Hay lần đầu tiên Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết ban hành từ đầu nhiệm kỳ là điểm đột phá để đồng hành Chính phủ, thực hiện tốt một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng đã đề ra là hoàn thiện thể chế, để từ đó kiến tạo phát triển.

Kết quả nói lên tất cả, khi quy mô, tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam không ngừng được mở rộng, duy trì được sự tăng trưởng khi năm 2021 đạt 2,56% trong khi một số nước tăng trưởng âm; năm 2022 thiết lập kỷ lục khi vươn lên 8,02%; năm 2023 khoảng trên 5% và đang có xu hướng phục hồi tích cực so với thế giới.

“Sự nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, đồng hành rất hiệu quả và kịp thời của Quốc hội và sự chỉ đạo điều hành rất quyết liệt của Chính phủ chúng ta mới đạt được kết quả như vậy! Chúng tôi rất mong Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành, giám sát và ủng hộ các chính sách Chính phủ sẽ tham mưu và trình với Quốc hội hỗ trợ cho nền kinh tế sớm phục hồi và sớm lấy lại đà tăng trưởng, đạt được các mục tiêu đề ra” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ nơi nghị trường cách đây hơn 1 tháng.

Ngọc Thành, Hà Phương

Bài viết cùng chuyên mục