Tác phẩm đoạt giải lần 2

Bước tiến lập pháp và những đột phá trên nghị trường (Bài 3)

30/11/2023
Trân trọng giới thiệu tác phẩm "Bước tiến lập pháp và những đột phá trên nghị trường."

Một trong những yêu cầu quan trọng được Nghị quyết số 27-NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đặt ra là tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ rằng, ông có cảm nhận dường như cán bộ nắm quy định không rõ, cứ nói khó mà không rõ khó chỗ nào, khó làm sao, gỡ như thế nào. Chuyên viên nói khó, trưởng phòng nói khó, lãnh đạo sở nói khó, tới chủ tịch UBND tỉnh cũng nói khó. Cuối cùng mọi chuyện là nằm tại chỗ, không có giải quyết.

Chủ tịch nước lưu ý phải thực sự làm, thực sự nghiên cứu, tháo gỡ; chỉ rõ, cụ thể vướng luật nào, nghị định nào, thông tư nào, còn cứ nói chung chung thì “mày mò cũng khó”. Chỗ nào cũng nói vướng, gặp ai cũng nói khó, chậm tháo gỡ thì dân biết kêu ai? Vấn đề đặt ra là cần nhìn thẳng vào những vướng mắc, khó khăn, trở ngại để mà tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển.

Từ Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, đã nhận diện có một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc sợ sai không dám làm, làm chưa hết chức năng, nhiệm vụ được giao. Đại biểu Quốc hội đặt ra lý do vì sao có tình trạng đó, do vướng mắc về pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện hay cả hai và mức độ đến đâu? Quốc hội khóa XV quyết tâm tìm câu trả lời qua yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Cụ thể, Quốc hội giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (từ luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, nghị định, thông tư…), tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm như đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công; quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính,… và các lĩnh vực khác có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị.

“Phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát; kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan” – Nghị quyết 101/2023/QH15 nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp thứ nhất của Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Chính phủ đã rất nghiêm túc thực hiện khi thành lập tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm tổ phó thường trực. Để bảo đảm tính độc lập, hỗ trợ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm tổ phó. Các đoàn đại biểu Quốc hội, thường trực 63 HĐND cấp tỉnh/thành phố, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội cũng được đề nghị rà soát một cách độc lập để đánh giá tổng thể, khách quan về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có những vướng mắc gì và vì sao.

Dù thời gian tiến hành rà soát chỉ khoảng 2 tháng, song Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội đều có báo cáo khá toàn diện, đưa ra những nhận định cụ thể,thẳng thắn nêu rõ quan điểm khi báo cáo Quốc hội sau khi tập trung rà soát 523 văn bản, trong đó có 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 167 nghị định của Chính phủ, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 217 thông tư của bộ, ngành. Điều khiến đại biểu Quốc hội và cử tri yên tâm nhất chính là đánh giá chung cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng cơ bản đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

“Kết luận này rất quan trọng, đã giải đáp câu chuyện: Những ý kiến cho rằng do sợ sai, không làm được, vướng mắc cái này, cái kia mà đổ hết cho hệ thống pháp luật là không đúng. Nhưng nếu nói tất cả do tổ chức thực hiện cũng không đúng. Có vướng mắc cả trong hệ thống pháp luật, có chồng chéo, có chưa hợp lý nhưng kết luận của cả Chính phủ và Quốc hội đều nói số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo là không nhiều” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Nhiều nội dung các địa phương, bộ ngành phản ánh thực tế không phải là vướng mắc mà là chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc do cách hiểu ở dưới không đúng, hỏi nhưng không có câu trả lời, hoặc trả lời chung chung. Có nhiều văn bản ban hành không kịp thời, luật có rồi nhưng nghị định, thông tư chưa ban hành nên chưa thực hiện được. Đó là chưa kể nghị định không phù hợp với luật, thông tư không phù hợp với nghị định. Có cả văn bản điều hành không đúng với tinh thần pháp luật.

Hơn thế, như chia sẻ của của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023: “Chúng tôi được giao cùng Ủy ban Pháp luật – cơ quan chủ trì, rà soát xem trong mâu thuẫn, vướng mắc có sơ hở, cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật hay không. Câu chuyện này được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm xử lý”.

Và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội diễn ra ngày 6/9/2023 cũng cho biết, các cơ quan đã tiến hành rà soát 1.651 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện một số quy định trong 7 luật và 130 văn bản dưới luật có sơ hở, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dẫn chứng cụ thể một số văn bản chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển; vẫn còn tình trạng sử dụng hình thức văn bản hành chính để quy định nội dung có tính quy phạm pháp luật.

Ông Đỗ Đức Hiển – Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá việc Quốc hội yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật là kịp thời để có những đề xuất sửa đổi, đưa ra giải pháp để làm tốt hơn không chỉ trong xây dựng pháp luật mà kể cả trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Những nội dung được phát hiện là mâu thuẫn, chồng chéo tuy có nhưng không nhiều, và chủ yếu do bất cập, lạc hậu với thực tiễn.

Quan trọng hơn, trong từng quy định được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo đều đã có hướng xử lý khá cụ thể cả về nội dung, tiến độ và cách thức thực hiện. Có vấn đề được xử lý ngay trong các luật mà Quốc hội đang xem xét trong năm 2023, có việc đã nằm trong chương trình lập pháp năm 2024 hay của cả nhiệm kỳ. Với văn bản dưới luật, Chính phủ cũng thể hiện cam kết chỉ đạo sửa ngay.

Như tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và một số luật liên quan như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và một số luật về thuế.

Với những văn bản mới được rà soát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết điểm rất mừng là 70% số lượng phát hiện có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn cần phải sửa ngay đã nằm trong các dự án luật mà Quốc hội bấm nút tại Kỳ họp thứ 6. Riêng Luật Đất đai có 34 việc, Luật Đấu giá tài sản 24 việc, hay Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… đều sẽ được giải quyết tại kỳ họp cuối năm 2023 cũng như trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Chỉ có 30% số lượng các vấn đề phát hiện có bất cập, vướng mắc, chồng chéo chưa có trong Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ, được giao cho các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách, đề xuất sửa đổi, bổ sung.  “Tinh thần Kế hoạch 81 không phải đóng cứng, là khung thôi. Có cái rà soát nhưng không sửa, có cái không thuộc diện rà soát mà phát hiện được chúng ta vẫn sửa” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự linh hoạt trong hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng nội dung chưa có trong Kết hoạch 81 như Luật Lâm nghiệp nhưng còn có nội dung vướng. “Luật nói cho phép trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhưng lại giao cho chủ rừng. Mà chủ rừng lại là các ban quản lý không có chức năng kinh doanh thì làm sao giao cho người ta trồng dược liệu được. Hoặc trồng 1 cột điện trong đất rừng tự nhiên cũng vướng”.

Hay Chính phủ có đề xuất có một nghị quyết của Quốc hội cho phép điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến 5-6 luật, có tính chất thí điểm, để đẩy nhanh quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn toàn đồng ý trình Quốc hội khi chuẩn bị kỹ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, cả xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thực hiện phải cố gắng nhiều hơn.

Trên diễn dàn Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện thường xuyên và kết quả rà soát cần phải được lấy làm thông tin dữ liệu đầu vào phục vụ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật. Bên cạnh ghi nhận kết quả thực hiện pháp luật, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho biết hiện nay Chính phủ còn “nợ” nhiều nghị định, các bộ, ngành cũng còn “nợ” nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn, dẫn đến luật có cũng chưa thực hiện được ngay, gây ách tắc, khó khăn trong điều hành quản lý của Nhà nước, khó cho chính quyền các cấp. Do đó, quan tâm sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành để bảo đảm thuận lợi trong thực hiện.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam (đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế) bày tỏ nhất trí với việc cần có giải pháp để kịp thời cải cách các văn bản quy phạm pháp luật. Bởi có những nơi trong 2 năm ban hành đến 3 thông tư, hay có bộ một lúc bãi bõ 3 thông tư cùng về một lĩnh vực cho thấy tính thiếu ổn định trong thể chế, không tạo cho người dân, doanh nghiệp sự yên tâm, cũng như không bảo đảm cho điều hành, quản lý.

Chính vì vậy, đại biểu Tao Văn Giót (đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) đề nghị đối với các dự án luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo ngay việc dự thảo các nghị định chi tiết vì luật thông qua nhưng còn thời gian chờ để có hiệu lực và ban hành các hệ thống văn bản hướng dẫn rất nhiều, nhất là đối với Luật Đất đai.

Bên cạnh đó cần bổ sung vào chương trình xây dựng luật, nghị quyết ngay trong năm 2024 để xử lý như Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật, Luật Trồng trọt, Luật An toàn thực phẩm. “Mặc dù những nội dung vướng mắc không nhiều nhưng chỉ cần vướng một nội dung là vướng hết tất cả các khâu” – vị đại biểu đoàn Lai Châu nói.

Có thể khẳng định, việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã gắn chặt với thực tiễn, thể hiện quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước là xác định hoàn thiện thể chế là khâu đột phá chiến lược. Cuộc sống thay đổi thì chính sách và pháp luật phải thay đổi và phải được cuộc sống chứng minh là đúng và được cuộc sống chấp nhận. Các điểm nghẽn được nhận diện đã và đang được khơi thông là nền tảng rất quan trọng để các chính sách, quy định sát thực tiễn hơn, qua đó kiến tạo thể chế đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững đất nước.

Ngọc Thành, Hà Phương

Bài viết cùng chuyên mục