Tác phẩm đoạt giải lần 1

Phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá Quốc hội Việt Nam (Bài 3): Niềm tin và sức mạnh

03/04/2023
Trong thời gian qua, tổ chức và hoạt động của Quốc hội không ngừng được đổi mới theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, mở rộng dân chủ. Đây là căn cứ quan trọng để mỗi cử tri thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của Quốc hội.

Gần dân, chịu sự giám sát của nhân dân

Trong thời gian qua, tổ chức và hoạt động của Quốc hội không ngừng được đổi mới theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, mở rộng dân chủ. Đây là căn cứ quan trọng để mỗi cử tri thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của Quốc hội.

Trước hết, các phiên khai mạc, bế mạc kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và các phiên họp khác của Quốc hội đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình quốc gia; các đài phát thanh, truyền hình địa phương tiếp sóng để tất cả các tầng lớp nhân dân được theo dõi, nắm bắt. Ngoài ra, các hoạt động khác của Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội kịp thời được thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đội ngũ phóng viên, nhà báo các cơ quan thông tấn, báo chí được tạo điều kiện thuận lợi để tham dự, đưa tin về hoạt động của Quốc hội theo quy định. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Quốc hội đang tập trung lấy ý kiến, hoàn thiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV”. Có thể thấy, các hoạt động truyền thông đã trở thành cầu nối thông tin giữa Quốc hội với nhân dân, từ đó tạo sự minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân với Quốc hội và tạo sự đồng thuận xã hội đối với những quyết sách của Quốc hội.

Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang tham gia chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV - Ảnh: Trần Thể

Các hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được tổ chức bài bản, linh hoạt, thích ứng với mọi tình hình. Việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được thực hiện ở nơi cư trú, nơi làm việc hoặc theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà cử tri quan tâm và có nhiều ý kiến, kiến nghị. Đồng thời, mỗi năm các đại biểu Quốc hội cũng có trách nhiệm báo cáo với cử tri nơi mình ứng cử việc thực hiện trách nhiệm của người đại biểu và chương trình hành động của bản thân đã hứa trước cử tri. Đây là cơ sở quan trọng để cử tri đánh giá, giám sát hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Đối với những đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm, cử tri có quyền bãi nhiệm theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Trên thực tế, nhiều đại biểu Quốc hội đã bị bãi nhiệm khi không xứng đáng với trọng trách được giao, như: Nguyễn Thanh Long, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh…

Những vấn đề “nóng”, nhận được nhiều phản ánh của cử tri, có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận đã được Quốc hội tập trung giám sát, qua đó kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết. Đơn cử, trước những ý kiến phản ánh về bất cập của các trạm thu phí BOT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)” và chỉ ra 13 hạn chế, bất cập từ mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí cho đến việc người dân không có sự lựa chọn đối với các tuyến đường độc đạo, tuyến chỉ cải tạo, nâng cấp… Kết quả của cuộc giám sát này là một trong những căn cứ quan trọng để Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (năm 2019) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư, làm rõ vai trò quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Ở lĩnh vực khác, liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 ngày 29-8-2022 về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” nhằm đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân và chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo kế hoạch, kết quả giám sát sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8-2023 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. 

Song song với thực hiện giám sát chuyên đề, Quốc hội cũng chọn những lĩnh vực, vấn đề được cử tri quan tâm để tiến hành chất vấn trực tiếp. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ và một số “tư lệnh ngành” về các lĩnh vực xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ và thanh tra. Hàng loạt vấn đề “nóng”, mang đậm “hơi thở” của thực tiễn đã được đưa ra diễn đàn nghị trường như: việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập; nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng; việc xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử; việc quản lý thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng… Những vấn đề được đưa ra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn từ cử tri cả nước.

Cùng với đó, bằng tinh thần làm việc trách nhiệm, vì quốc kế dân sinh, vì sự phát triển của đất nước, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 4 kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. 

Chúng ta không phủ nhận hoạt động của Quốc hội vẫn có những mặt, khía cạnh cần tiếp tục đổi mới để nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, không vì vậy mà các đối tượng xấu, thế lực thù địch có quyền phủ nhận những kết quả mà Quốc hội Việt Nam đạt được. Đó là điều không thể chấp nhận!

Sức mạnh của Quốc hội - sức mạnh của nhân dân

Hiện nay, tình hình trong nước và quốc tế đang có những thay đổi nhanh chóng. Bên cạnh yếu tố thuận lợi, tích cực, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, trọng trách của Quốc hội trong thời gian tới là hết sức nặng nề.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta nêu rõ: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải kiên quyết giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội. Đi liền với đó là việc chủ động, kịp thời nhận diện, vạch trần, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc chống phá Quốc hội Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội. 

Với sự phối hợp của Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp và các cơ quan liên quan, từ ngày 1-1-2013 đến 31-12-2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã tổ chức 36 đợt với 408 cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh và có hơn 48.000 lượt cử tri tham dự. Bên cạnh việc tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh còn tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, theo đối tượng với nhiều nội dung khác nhau; tiếp xúc cử tri nơi cư trú và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội với thành phần cử tri đa dạng. Hầu hết ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được các cơ quan chức năng giải trình ngay tại buổi tiếp xúc.

Ngày 9-11-2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 27 cũng chính là mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Mỗi người dân Việt Nam chân chính dù ở trong nước hay ngoài nước đều sẵn sàng “chia lửa”, đóng góp năng lực, trí tuệ của bản thân vào việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và xây dựng Quốc hội nói riêng. 

Quốc hội Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm của lịch sử. Trong bối cảnh mới, với những nỗ lực, quyết tâm, cố gắng không ngừng nghỉ và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chắc chắn Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được những thắng lợi to lớn. Sức mạnh của Quốc hội chính là sức mạnh của nhân dân, nhân dân là chỗ dựa, là điểm tựa cho mọi hành động, quyết sách của Quốc hội. Chính niềm tin của người dân và cử tri cả nước đối với Quốc hội, sự thành công của Quốc hội nói riêng và của đất nước nói chung sẽ là bằng chứng đanh thép nhất bác bỏ những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Trần Tú - Hoàng Thu

Bài viết cùng chuyên mục