Tác phẩm đoạt giải lần 1

Diên Hồng hội tụ ý Đảng - lòng dân - Bài 4: Chia sẻ,đồng hành vượt thách thức

03/04/2023
Vào thời điểm năm 2021 - 2022, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, cạnh tranh địa chính trị gay gắt, cuộc xung đột Nga – Ukraina; khủng hoảng năng lượng diễn ra ở nhiều nơi đã tạo ra những thách thức chưa từng có đến kinh tế thế giới, nhiều nước lạm phát tăng kỷ lục, rơi vào suy thoái.

Là một nước, nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam cũng bị chịu tác động nghiêm trọng. Đối với người dân, doanh nghiệp, sau 2 năm “chống chọi” với đại dịch, “sức khỏe” dần đi xuống. Có những doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, công nhân mất việc làm… Đặc biệt, những tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trên thế giới biến động, gây ra cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn trên thị trường. Thời điểm chạm mốc cao nhất đối với dầu WTI là 130,5 USD/thùng, dầu Brent là 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3/2022.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu giúp giảm chi phí, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Xăng dầu là “máu” của nền kinh tế, được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó có những ngành phần lớn sử dụng nguyên liệu là xăng dầu như khai thác thủy sản, hoặc vận tải, khai thác than. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là một trong những giải pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước, giúp giảm chi phí đầu vào, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển, tạo tiền đề thu ngân sách trong thời gian tới.

Trước thực trạng trên, tháng 3/2022, qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm từ 1.000 - 2.000 đồng thuế bảo vệ đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022.

Tiếp đó, ngày 6/7/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp. Lưu ý Chính phủ cần chủ động có những kịch bản nghiên cứu để ứng phó cho phù hợp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát lại các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng, dầu theo các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn.

Trước đó, đầu năm 2022, Quốc hội đã triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất, trong đó có nội dung quan trọng là thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách này đã có tác dụng tích cực kiềm chế lạm phát của Việt Nam trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.

Với sự tiếp sức từ các chính sách mà Quốc hội ban hành, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, năm 2022 tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6-6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu nông sản hơn 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo đạt hơn 7,12 triệu tấn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2022, số tiền mà nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thông qua việc miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí... vào khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng. “Trong lịch sử của ngành Tài chính chưa bao giờ số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn như vậy”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Không chỉ giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang nảy sinh, hướng đến sự phát triển bền vững, Quốc hội đã thống nhất trao “chìa khoá” mở ra sự phát triển mới, hiện thực hoá tầm nhìn và khát vọng. Lần đầu tiên tại một kỳ họp có tới 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án, với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.

Đó là các dự án đường Vành đai 3 TP. HCM; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và các dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (3 dự án này đều trong giai đoạn 1).

“Việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị mà sẽ tạo nên sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, GS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nhìn nhận, vào thời điểm Quốc hội chuẩn bị ấn nút thông qua.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng) nhìn nhận: “Công trình đường bộ cao tốc chính là chìa khóa quan trọng trong chiến lược giao thông mở đường đi trước nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển toàn”.

Trong khi đó, TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, “đường cao tốc” và “cơ chế đặc thù” hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong nền kinh tế.
Khi chủ trương này được ấn nút thông qua, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng: Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, Quốc hội cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản Nhà nước.

Để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống, triển khai có hiệu quả, tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Kỳ họp thứ 5 với 4 chuyên đề để Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao trong năm 2024.

Trong đó, chuyên đề nhận được nhiều phiếu đồng thuận nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Trong chuyên đề này có các dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; cùng ba dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mà Quốc hội đã thông qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, đoàn giám sát của Uỷ ban Kinh tế cùng lãnh đạo các địa phương đi kiểm tra các dự án vừa được Quốc hội thông qua.
Phùng Công Sưởng, Trần Công Hùng..

Bài viết cùng chuyên mục