GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ KẾT QỦA LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM LẦN THỨ 4 CỦA QUỐC HỘI
GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: TẬN DỤNG MỌI THỜI CƠ ĐỂ THU HÚT FDI NHẰM PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG
Bước vào nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội nước ta phải đối mặt với không ít áp lực, khó khăn và thử thách. Áp lực trước hết đến từ những thành công không nhỏ của công cuộc 35 năm đổi mới đất nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội các nhiệm kỳ trước, nhất là nhiệm kỳ khóa XIV; đến từ niềm tin và sự kỳ vọng của cử tri vào cơ quan lập pháp cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Khó khăn và thách thức lớn cũng đến từ những tác động bất lợi của tình hình thế giới, những diễn biến khó kiểm soát của đại dịch Covid-19, làm thay đổi cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và đời sống kinh tế - xã hội, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân, buộc Quốc hội, Chính phủ phải có những điều chỉnh nhất định về định hướng phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài. Những áp lực, khó khăn, thách thức đó đặt ra những đòi hỏi cấp thiết đối với Quốc hội khóa XV: từng cơ quan của Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội phải có quyết tâm và nỗ lực để đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động nhằm thực hiện thành công những nhiệm vụ nặng nề trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện tốt vai trò đại diện của nhân dân, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn mới.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ đã qua, để xây dựng một Quốc hội hành động và trách nhiệm, đồng hành cùng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội đã thực hiện nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, có thể kể đến một số điểm nổi bật sau đây:
Xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, Quốc hội đã xem xét sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội làm căn cứ pháp lý cho hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp. Với việc sửa đổi này, nhiều vấn đề về phương thức hoạt động của Quốc hội nói chung và về quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội đã được thảo luận và quyết định. Trong đó, đã pháp lý hóa những cải tiến, đổi mới về công tác tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội đã được kiểm nghiệm có hiệu quả qua thực tiễn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay để áp dụng thống nhất: Bổ sung các quy định về tổ chức kỳ họp bất thường; hình thức làm việc trực tuyến; quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội. Quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp toàn thể, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tranh luận, thảo luận tại phiên họp; trách nhiệm trong việc đề xuất biểu quyết một số vấn đề trước khi thông qua toàn văn luật, nghị quyết; trách nhiệm giải trình làm rõ ý kiến thảo luận ở Tổ; hồ sơ, trình tự Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội và giao Chính phủ chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trình tự Quốc hội xem xét đề nghị của Chủ tịch nước về việc xem xét lại pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy trình, thủ tục ban hành nghị quyết kỳ họp Quốc hội và trách nhiệm chuẩn bị, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết kỳ họp Quốc hội.
Ngày 15/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với 466/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,57% tổng số đại biểu Quốc hội.
Cùng với Nội quy kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung nhiều quy định về cách thức hoạt động của cơ quan thường trực của Quốc hội giữa hai kỳ họp; ban hành Quy chế mẫu về hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đặc biệt, việc lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và triển khai thực hiện văn bản hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (Nghị quyết 560) có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội. Căn cứ vào các quy định của Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc, mỗi Ủy ban của Quốc hội đều có nhận thức rõ ràng và hành động cụ thể trong hoạt động giám sát VBQPPL, nhất là dành thời gian thỏa đáng hơn, tổ chức thực hiện một cách thống nhất, thường xuyên và bài bản hơn đối với hoạt động giám sát VBQPPL.
Sự hoàn thiện từng bước các văn bản quy định về hoạt động của Quốc hội trên đây là sự chuẩn bị vững chắc về cơ sở pháp lý để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động của Quốc hội nước ta đã có rất nhiều đổi mới, rất nhiều lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội. Đó là: chỉ trong 2,5 năm, đã có tới 10 kỳ họp Quốc hội (6 kỳ họp thường lệ và 4 kỳ họp bất thường), về số lượng, gần bằng số kỳ họp của cả 1 nhiệm kỳ trong điều kiện bình thường. Điều đó cho thấy, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã lắng nghe hơi thở của cuộc sống, bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời, ban hành nhiều quy định chưa có tiền lệ nhằm chia sẻ, sát cánh, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân; chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ cho trước mắt và cho cả mục tiêu phát triển nhanh và bền vững lâu dài.
Bên cạnh đó, mỗi kỳ họp Quốc hội cũng được điều chỉnh linh hoạt về thời gian và cách thức tiến hành. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV rút ngắn thời gian tiến hành kỳ họp 8 ngày so với dự kiến, kết thúc sớm 3 ngày so với chương trình được thông qua. Kỳ họp 2 được tổ chức thành 02 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung; chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có việc thử nghiệm biểu quyết điện tử, có phiên họp Quốc hội họp tập trung nhưng vẫn có Đoàn thành phố Hồ Chí Minh họp trực tuyến… Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Quốc hội đã áp dụng chia thời gian họp Quốc hội thành hai đợt họp tập trung, có khoảng thời gian một tuần giữa 02 đợt của Kỳ họp để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau cũng như về kỹ thuật lập pháp, các điều khoản áp dụng pháp luật, chuyển tiếp… đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đây là những cách thức hoạt động chưa có tiền lệ trong hoạt động của Quốc hội, minh chứng cho sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Trong công tác lập pháp, tinh thần lập pháp chủ động được thể hiện khá rõ nét với nhiều cách làm mới, hiệu quả như: trình Bộ Chính trị ban hành định hướng công tác lập pháp cả nhiệm kỳ; chủ động rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để kịp thời đề xuất cập nhật, bổ sung các kiến nghị lập pháp vào Chương trình xây dựng luật hàng năm, nhằm tháo gỡ các vướng mắc của thực tiễn và thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ được xác định trong các văn bản của Đảng mới được ban hành; chủ động phối hợp chặt chẽ từ sớm, từ xa với cơ quan trình dự án, dự thảo, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến để hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội.
Trong công tác giám sát, việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức bài bản, khoa học và chặt chẽ, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Các Đoàn giám sát đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành giám sát, có sự đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức giám sát như: phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương và các cơ quan có liên quan khác; khai thác tối đa thông tin, dữ liệu từ kết quả Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, ý kiến phản biện, kiến nghị giám sát của UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể về các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát; tổ chức hoạt động của Đoàn giám sát một cách khoa học, phát huy tối đa công sức, trí tuệ của các thành viên Đoàn giám sát; tăng cường huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn trong quá trình giám sát. Nhờ đó, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tích cực cho hoạt động lập pháp của Quốc hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành thảo luận riêng về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.
Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành thảo luận riêng về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý của nhà nước, góp phần tháo gỡ có hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin của cử tri và Nhân dân cả nước.
Tại các phiên họp toàn thể thảo luận về kinh tế xã hội, giám sát, chất vấn, thảo luận về các dự án luật, dự thảo nghị quyết trong các kỳ họp Quốc hội vừa qua, hầu như không có phiên họp nào Quốc hội kết thúc sớm hơn so với dự kiến chương trình; có rất ít phiên họp mà tất cả các đại biểu đăng ký đều được phát biểu. Hầu hết các phiên họp đều có đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu do thời gian dành cho thảo luận về nội dung có hạn. Có nhiều phiên họp số đại biểu đăng ký rất lớn. Kết thúc mỗi kỳ họp Quốc hội, trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội đều có tổng kết số lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại các phiên thảo luận tổ, phát biểu, tranh luận tại hội trường, số đại biểu thực hiện quyền chất vấn. Tại phiên họp thảo luận về Nội quy kỳ họp Quốc hội, vấn đề kéo dài phiên họp toàn thể của Quốc hội để bảo đảm quyền thảo luận của đại biểu được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra và thảo luận. Điều đó cho thấy rất rõ tính tích cực của đại biểu Quốc hội trong việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung trình Quốc hội.
Trước yêu cầu của thực tiễn, Quốc hội cũng đã linh hoạt điều chỉnh, quyết định tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại hội trường để thông tin rộng rãi hơn, đảm bảo các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và Nhân dân. Tại kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022, Quốc hội đã có tới 19 phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp với tổng thời lượng là 62 giờ, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội. Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) vừa qua, đã có hơn 30.000 tin, bài (có ngày hơn 3.000 tin, bài) thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến và kết quả Kỳ họp.
Trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, sau mỗi Kỳ họp, với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện cả về nội dung và phương thức hoạt động, Quốc hội có thêm nhiều bài học quý. Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh, đổi mới phương thức hoạt động để hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và Nhân dân, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội; đồng thời, nâng cao chất lượng các chính sách được ban hành, để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân./.
Trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, sau mỗi Kỳ họp, với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện cả về nội dung và phương thức hoạt động để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại kỳ họp bất thường lần thứ 4.
TS.Nguyễn Thị Mai Thoa Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |