LÝ LUẬN & TRAO ĐỔI

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá mở ra một giai đoạn mới cho văn hoá phát triển, đất nước bền vững

05/10/2024
Văn hoá là một yếu tố quan trọng xác định đạo đức lối sống giá trị tốt đẹp, lòng tự hào dân tộc, văn hoá lan toả sức mạnh sinh lực để kinh tế xã hội phát triển. Theo Thạc sĩ Trần Thị Thu Hằng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông, để Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá mở ra một giai đoạn mới cần có những mục tiêu cụ thể.

Năm 1943, Đảng đưa ra bản Đề Cương hoá Việt Nam, vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hoá ngu dân của thực dân Pháp, nêu lên nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới. Đề cương văn hóa đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng. Đề cương xác định văn hoá là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hoá).

Đề cương nêu rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá. Đề cương văn hoá đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hoá, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đề cương văn hoá Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hoá, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hoá dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hoá cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân.

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân, là ngọn đèn soi rọi cho nền văn hóa Việt Nam hiện đại.

Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã khai mạc tại Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Tiếp thu những kinh nghiệm của nền văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với 3 tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng. Khẳng định vai trò ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Tiếp đến, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948 được xem là “Hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”; thực sự là ánh sáng soi đường tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đến Đại hội Đảng XIII đã xác định: khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời, coi trọng xây dựng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.

Với quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo cơ sở để xây dựng hệ giá trị văn hóa gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn với xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam. Bởi, con người là chủ thể sáng tạo giá trị vật chất và giá trị tinh thần, phục vụ cho nhu cầu chính mình và xã hội. Với tư cách chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, xây dựng con người Việt Nam đặt ra việc phát huy giá trị văn hóa gắn liền với giữ gìn, bảo vệ, hoàn thiện hệ giá trị chuẩn mực con người và khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo của con người trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi hoạt động văn hóa, quan hệ văn hóa, thiết chế văn hóa đều hướng vào bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị, chuẩn mực và bồi đắp cho con người phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực; củng cố tình yêu quê hương, đất nước, giá trị nhân văn, tính cố kết cộng đồng, ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Những hoạt động đó hướng tới: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy thể chế, cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện. Việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, bồi dưỡng, giáo dục, đầu tư con con người văn hoá chưa được quan tâm đúng mức, nguồn lực cho văn hoá chưa được đầu tư tương xứng. Vì vậy. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá trong giai đoạn tới là cần thiết. Điều đó cho thấy, văn hoá là một yếu tố quan trọng xác định đạo đức lối sống giá trị tốt đẹp, lòng tự hào dân tộc, văn hoá lan toả sức mạnh sinh lực để kinh tế xã hội phát triển, văn hoá chính là đảm bảo đạo đức, lối sống và những giá trị của cộng đồng được bảo tồn và phát triển giúp ngăn chặn  suy thoái về đạo đức xã hội, tạo ra môi trường tích cực cho sự phát triển.

Để Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá mở ra một giai đoạn mới cho văn hoá phát triển, đất nước bền vững cần có những mục tiêu cụ thể:

1. Cần rà soát, đánh giá lại các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, tiểu dự án về văn hoá đã triển khai thực hiện để tránh trùng lắp các nội dung chương trình trước đó đã thực hiện. Từ đó, cần xem xét vấn đề cần làm, phải làm trong thời gian tới để giải quyết những vấn đề căn cơ, những vấn đề bức thiết nhất cho văn hoá, để văn hoá phát triển cùng với kinh tế, xã hội.

2. Tiếp tục đầu tư nhân lực cho văn hoá là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, xây dựng đội ngũ cho văn hoá, lực lượng trẻ, vừa “hồng” vừa “chuyên”, yêu nước, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, tri thức, tài năng, xây dựng con người Việt Nam, xây dựng con người mới, xây dựng gia đình văn hóa phù hợp với điều kiện mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước với sự đầu tư nguồn lực tương xứng có chiều sâu trong công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ trong ngành văn hóa.

3. Cần phân vùng, phân loại đầu tư giữa các vùng miền như thành thị, miền núi trong xây dựng các thiết chế gắn với bảo vệ các di sản văn hoá phù hợp với văn hoá của vùng miền, nếp sống, lối sống, không gian, thiên nhiên để trở thành điểm nhấn là nơi sinh hoạt văn hoá thường xuyên của người dân.

4. Trong giai đoạn hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đòi hỏi đặt ra cho chúng ta nhiều nhiệm vụ mới với những cách làm mới, trong khi thế giới ngày càng thay đổi, cuộc cách mạng công nghệ phát triển mạnh mẽ cần phải đặt ra những yêu cầu mới, thách thức mới cho văn hoá.  Vì vậy, việc xây dựng và đầu tư cho văn hoá phải hiệu quả, thiết thực, tránh dàn trãi, lãng phí nguồn lực.
 

Thạc sỹ Trần Thị Thu Hằng

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Bài viết cùng chuyên mục